Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng dịch vụ đón mùa kiều hối

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tình hình kinh tế thế giới đang gặp không ít khó khăn nhưng theo dự báo của các chuyên gia, lượng kiều hối năm nay vẫn có thể đạt 10 - 11 tỷ USD. Nhiều dịch vụ nhận kiều hối hấp dẫn đang được các ngân hàng và các đơn vị chuyển tiền tích cực triển khai nhằm đón mùa kiều hối cuối năm.

Kiều hối tăng bất chấp kinh tế khó khăn

Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2012, kiều hối chuyển về Việt Nam đã đạt hơn 6,3 tỷ USD, bằng 70% so với cả năm 2011. Tại hệ thống Sacombank, 9 tháng qua, kiều hối về đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng kiều hối chuyển về nước để đầu tư ngày càng lớn. Cả nước có trên 2.000 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, công nghiệp, bất động sản, du lịch... do kiều bào đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 6 tỷ USD.

Tăng dịch vụ đón mùa kiều hối - Ảnh 1

Các ngân hàng đang chuẩn bị nhiều dịch vụ mới để đón mùa kiều hối. Ảnh: Trần Việt

Đại diện Công ty Western Union - chuyên cung ứng dịch vụ chuyển tiền cho biết: Một phần quan trọng trong lượng kiều hối chuyển về Việt Nam là của người đi xuất khẩu lao động ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia. Ngoài ra, số lượng các nước có kiều hối chuyển về Việt Nam cũng được mở rộng, năm 1994 chỉ có 16 quốc gia chuyển kiều hối về Việt Nam qua kênh Western Union, đến nay đã lên đến 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Điều này có nghĩa, ngày càng có nhiều người chuyển tiền về Việt Nam qua kênh chính thức.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng giảm, việc một lượng kiều hối lớn chảy về đã có tác động tích cực đến nền kinh tế trong nước. "Kiều hối trở thành một nguồn ngoại tệ lớn mà chúng ta thụ hưởng hoàn toàn. Đây là nguồn tiền thực, góp phần làm bình ổn tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia" - ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM nhận xét.

Các ngân hàng tăng dịch vụ

Ông Trịnh Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á cho biết, bất động sản là lĩnh vực thu hút kiều hối nhiều nhất với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng doanh số kiều hối năm 2011. Vì vậy, sự biến động của thị trường đầu tư này sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của kiều hối. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại dự báo, lượng kiều hối sẽ không giảm mà có thể tăng mạnh do xu thế đón đầu thị trường khi giá bất động sản, cổ phiếu sau khi chạm đáy sẽ có dấu hiệu phục hồi.

Đón mùa kiều hối cuối năm, các ngân hàng, đơn vị chuyển tiền đang đẩy mạnh triển khai các dịch vụ khuyến mại, tăng cường chất lượng, rút ngắn thời gian chuyển tiền…

Tại Sacombank, khách hàng sẽ được miễn phí dịch vụ khi nhận kiều hối với thủ tục nhanh chóng. Ngoài ra, trong trường hợp tiền chuyển về là ngoại tệ, khách hàng có nhu cầu nhận tiền VND, Sacombank sẽ quy đổi theo tỷ giá niêm yết cho khách hàng. Tại Công ty Kiều hối Đông Á, khách hàng có thể lựa chọn hình thức nhận tiền phù hợp như nhận tại quầy, tại nhà hoặc qua tài khoản với thời gian tối đa là 3 giờ, khách hàng đã nhận được tiền do người thân gửi về. Một số dịch vụ "độc" với nhiều tiện ích vượt trội như nhận tiền kiều hối qua intenet, điện thoại cũng được các ngân hàng, công ty chuyển tiền chú trọng phát triển.

Theo các chuyên gia, để hút kiều hối, một trong những giải pháp quan trọng là phải phục hồi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản và minh bạch, lành mạnh hóa môi trường đầu tư. Thời gian qua, tảng băng thị trường bất động sản đã tan ít nhiều nhờ sự hỗ trợ từ gói kích cầu 29.000 tỷ đồng và việc giảm nhẹ lãi suất ngân hàng. Nếu thị trường bất động sản và sàn giao dịch chứng khoán được phục hồi không những tăng lượng kiều hối mà còn thu hút cả những nguồn vốn nước ngoài khác.

Những năm trước khách hàng nhận tiền kiều hối thích giữ ngoại tệ hoặc bán ra thị trường tự do. Năm 2012, với sự ổn định của tỷ giá trong những tháng qua, nhiều khách hàng đã chọn cách bán lại ngoại tệ cho ngân hàng. Những nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa tỷ giá ngân hàng và trên thị trường tự do cũng khiến lượng kiều hối về Việt Nam chảy vào ngân hàng, phục vụ nền kinh tế nhiều hơn.