Nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện DN ngành thương mại Hà Nội đã dự trữ một lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, vào thời điểm giáp Tết, nhu cầu tiêu dùng đối với các nhóm hàng thiết yếu dự kiến sẽ tăng khoảng 15 - 18% so với các tháng trong năm nên việc tăng giá một số mặt hàng thiết yếu sẽ khó tránh khỏi.
Thực tế mua sắm tại các chợ, siêu thị cho thấy với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn, thịt gà do thời tiết bất lợi, thêm vào đó việc thương lái đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc khiến nguồn cung giảm, giá bán đã có chiều hướng tăng từ 5.000 - 15.000 đồng/kg. Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới giá thịt lợn, gà sẽ tiếp tục tăng khoảng 5 - 10%. Ngoài ra, giá nhiều mặt hàng khác, đặc biệt là rau xanh củ, quả cũng đã tăng trung bình 15 - 25% so với thời điểm đầu năm do nguồn cung giảm do mưa bão liên tục.
Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội dự báo: Trong thời gian tới ngoài giá lương thực sẽ không có biến động lớn, giá các mặt hàng thực phẩm sẽ tiếp tục nhích lên do việc kiểm tra chất lượng gia súc gia cầm từ các địa phương về Hà Nội được thắt chặt, nhiều hộ chăn nuôi ngừng bán ra để chờ đến Tết được giá hơn làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn.
Trước tình hình đó, để đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường trong dịp Tết, nhất là đối với những nhóm hàng có nguồn cung hạn chế, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các DN chủ động liên kết, khai thác nguồn hàng từ các tỉnh bạn bảo đảm cung ứng thị trường.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhận định: Tình hình kinh tế của TP Hà Nội trong thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, nên sức mua trong dịp Tết sẽ tăng, do vậy việc chuẩn bị hàng hóa không thể chủ quan, xem nhẹ. " Để không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng trục lợi, các DN cần chủ động nguồn cung ứng để đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu" - Phó Chủ tịch yêu cầu.
Mở rộng điểm bán hàng bình ổn giá
Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân, bên cạnh việc tăng cường dự trữ hàng hóa, Sở Công Thương Hà Nội cùng các DN đang đẩy mạnh hoạt động bán hàng thông qua chương trình bình ổn giá nhằm ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá giả tạo trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai cho biết: Chương trình bình ổn giá sẽ dự trữ và bán ra 7 nhóm hàng thiết yếu trị giá 318 tỷ đồng. Ngoài ra, 13 DN tham gia chương trình bình ổn giá bằng nguồn vốn tự có của mình cũng chủ động dự trữ số lượng trị giá 630 tỷ đồng, đáp ứng 30% nhu cầu của 7 nhóm hàng thiết yếu.
Để lượng hàng này đến tay người tiêu dùng, nhất là khu vực ngoại thành, ngành công thương sẽ tập trung bán hàng thiết yếu tại 610 điểm bán bình ổn giá cố định, khoảng 1.500 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng. Bên cạnh đó, TP sẽ tổ chức 250 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn giá cùng các nhóm hàng khác về khu vực nông thôn, khu công nghiệp. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội dự kiến tổ chức 5 phiên chợ Tết tại các khu vực này...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán của Hà Nội đã được chuẩn bị khá chu đáo với lượng hàng hóa trị giá hơn 6.000 tỷ đồng. Mặc dù Hà Nội đẩy mạnh việc mở các điểm bán hàng Tết ở các vùng sâu, vùng xa nhưng nên kết hợp, lồng ghép với chương trình "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" để có thể mở thêm nhiều điểm kinh doanh hàng trong dịp Tết.
Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Big C. Ảnh: Anh Vũ
|