Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng giá sữa bất hợp lý: Chưa minh bạch thông tin

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cần phải minh bạch nguồn gốc, chất lượng và giá bán sữa tại thị trường Việt Nam - đó là ý kiến của không ít người tiêu dùng cũng như các cơ quan quản lý trước những biến động của thị trường sữa thời gian qua.

Thiếu lý do chính đáng

Từ tháng 1/2013 đến nay, giá sữa trên thị trường liên tục tăng giá bán. Dự kiến giữa tháng 3, một loạt hãng sữa sẽ tiếp tục đợt tăng giá mới, với mức tăng từ 5 - 10% so với giá hiện hành.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong thời gian qua, giá sữa nhập khẩu vẫn ổn định, không có dấu hiệu tăng giá đầu vào, thậm chí, có doanh nghiệp (DN) nhập khẩu sữa đã khai giá nhập thấp hơn cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan. Theo ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chuỗi thực phẩm TH (đơn vị sở hữu nhãn hiệu sữa True Milk), hiện chưa có lý do gì khiến giá sữa tăng, việc một số DN sản xuất, kinh doanh sữa liên tục tăng giá như hiện nay là điều khó hiểu.

Tăng giá sữa bất hợp lý: Chưa minh bạch thông tin - Ảnh 1

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm sữa tại Siêu thị Big C. Ảnh: Minh Ngọc

Với tư cách là nhà nhập khẩu sữa, ông Lê Đức Phương, Tổng Giám đốc Organic Việt Nam (đơn vị nhập khẩu sữa Baby’s Only Organic) khẳng định, trong năm 2013, Organic Việt Nam sẽ không tăng giá sữa cho cả năm.

Việc cả 2 DN sản xuất và nhập khẩu sữa tự tin khẳng định không tăng giá, trong khi các DN khác luôn tìm cách tăng giá, cho thấy, hiện đang tồn tại những "lỗ hổng" trong việc quản lý giá bán loại sản phẩm này.

Không thể để doanh nghiệptự chịu trách nhiệm

Chị Minh Trang, ngõ 85, đường Nguyễn Lương Bằng thắc mắc: Rất nhiều sản phẩm sữa nhập khẩu chỉ là thực phẩm bổ sung, nhưng khi nhập về Việt Nam lại được quảng cáo là sữa và bán với giá cao gấp nhiều lần. Điều quan trọng là độ đạm của những sản phẩm này không đủ tiêu chuẩn gọi là sữa theo quy chuẩn Việt Nam (yêu cầu độ đạm trong sữa bột phải đạt 34%, sữa nước 2,7%) như trường hợp "sữa Danlait" được nhập khẩu từ Pháp đã làm người tiêu dùng lo lắng. Trước tình trạng sữa ngoại tràn ngập như hiện nay, liệu còn có bao nhiêu sản phẩm khác không đủ độ đạm chưa bị phát hiện?

Ông Lê Hoàng, Phó Phòng quản lý sản phẩm, Cục ATTP (Bộ Y tế) thừa nhận, chất lượng sản phẩm hoàn toàn do DN tự công bố và tự kê khai thành phần cấu tạo sản phẩm. Sau khi sản phẩm lưu thông, các cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất. DN phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng trước cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.

Với lý giải này có thể thấy, việc DN có tuân thủ đúng quy định của pháp luật hay không hoàn toàn phụ thuộc vào… lương tâm của DN. Đây là lỗ hổng khiến nhiều DN kiến nghị Cục ATTP cần có quy định yêu cầu DN sản xuất, nhập khẩu sản phẩm sữa phải minh bạch thông tin về xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu, chất lượng sản phẩm sữa trên bao bì sản phẩm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định cụ thể về các chỉ tiêu chất lượng, ATTP, quy định đặt tên sữa tươi/sữa hoàn nguyên, ghi nhãn đối với sữa tươi nguyên chất, sữa nước hoàn nguyên…

Việc minh bạch thông tin như vậy sẽ giúp người tiêu dùng hiểu rõ chất lượng sản phẩm có phù hợp với nhu cầu sử dụng hay không trước khi quyết định mua. Điều này sẽ góp phần loại bỏ những đơn vị kinh doanh gian dối, từ đó tạo điều kiện cho DN chân chính tồn tại.