Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng giá trị cho nhãn chín muộn Đại Thành

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhờ trồng nhãn chín muộn (NCM) nên đời sống của người dân xã Đại Thành, huyện Quốc Oai được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, để NCM Đại Thành khẳng định được thương hiệu và đứng vững trên thị trường, địa phương rất cần được hỗ trợ khâu tiêu thụ sản phẩm.

Sản xuất an toàn VietGAP

Hộ anh Nguyễn Văn Thành, ở thôn Đại Tảo, xã Đại Thành đang là chủ sở hữu cây nhãn tổ trên 120 năm tuổi và 250 gốc NCM đang cho thu hoạch. Anh Thành chia sẻ: "Nhờ áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất mà chất lượng NCM tăng lên đáng kể. Hiện nay, với giá bán trung bình 35.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, gia đình tôi cầm chắc khoản tiền lãi trên dưới 400 triệu đồng mỗi vụ". Không chỉ gia đình anh Thành mà tới hơn 90% số hộ trên địa bàn xã Đại Thành đang đầu tư mạnh thâm canh NCM theo quy trình VietGAP, hộ ít trồng vài chục cây, hộ nhiều thì vài trăm cây. Năm nay, nhãn được mùa nên từ lúc chưa vào chính vụ, thương lái đã về đặt hàng rất nhiều.
Nhãn chín muộn Đại Thành có năng suất và giá bán cao. Ảnh: Ngọc Ánh
Nhãn chín muộn Đại Thành có năng suất và giá bán cao. Ảnh: Ngọc Ánh
Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đại Thành Đinh Văn Phích cho biết, toàn xã Đại Thành có 115ha NCM, ước tính cho  sản lượng từ 1.800 - 2.000 tấn, đạt doanh thu trên 40 tỷ đồng. Được sự giúp đỡ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội trong việc áp dụng quy trình VietGAP, các hộ dân đã nhận biết chính xác các đối tượng sâu bệnh hại và sử dụng thuốc sinh học phun cho cây vừa đảm bảo sức khỏe vừa tiết kiệm chi phí. Nhờ đó, chất lượng quả được nâng lên, mã quả sáng, đẹp hơn. Hạch toán kinh tế cho thấy, với năng suất trung bình 22 tạ/ha và giá bán trung bình 35.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, mỗi héc ta NCM cho thu lãi 470 triệu đồng.

NCM Đại Thành có vị thơm, độ ngọt sắc, cùi dày, hạt nhỏ, chất lượng ngon nên được nhiều người ưa thích. Điểm thuận lợi nhất là NCM có thời gian thu hoạch muộn hơn các giống nhãn đại trà một tháng (từ 20/8  -  20/9) nên người dân khá yên tâm về khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, do chưa có điểm tiêu thụ ổn định nên người dân vẫn lo lắng về "đầu ra". Đáng chú ý, tình trạng thương  lái đua nhau về ép giá đã khiến cho không ít hộ trảy nhãn bán ồ ạt dẫn đến giá cả bấp bênh.

Liên kết tiêu thụ theo chuỗi

Năm 2013, được sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT Hà Nội, NCM Đại Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu tập thể. Xác định NCM là cây trồng tiềm năng, có giá trị kinh tế cao, huyện Quốc Oai đã lập quy hoạch để phát triển giống nhãn quý này. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 150ha NCM trồng chủ yếu tại xã Đại Thành và một số xã vùng bãi sông Đáy. Song, với tổng sản lượng NCM đạt trên 2.000 tấn/năm nên bài toán tiêu thụ luôn là mối quan tâm hàng đầu của Quốc Oai. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Lâm cho hay: "Ngay từ đầu năm, huyện đã chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch kết nối các DN tiêu thụ theo chuỗi đối với sản phẩm NCM".

 Mới đây, Trung tâm Phát triển cây trồng phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức kết nối DN và nông dân (đại diện ký kết hợp đồng là HTX Nông nghiệp Đại Thành) đưa sản phẩm NCM vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn TP như Fivimart, Biggreen, Bác Tôm, Cleverfood...  Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của sản phẩm NCM hiện nay là tiêu thụ ở dạng quả tươi, không qua sơ chế, đóng gói nhãn mác nên giá thành chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm. Do đó, xã Đại Thành mong muốn được TP, ngành nông nghiệp Thủ đô quan tâm hơn nữa trong việc quảng bá, giới thiệu để đông đảo người tiêu dùng cả nước biết đến NCM Đại Thành. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo hướng an toàn, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sản phẩm NCM Đại Thành đảm bảo ATTP, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.