Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, mục đích đợt điều chỉnh giá vé xe buýt lần này nhằm đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng mạng lưới thu hút tối đa người dân đi lại bằng xe buýt; đồng thời bảo đảm chi trợ giá ngân sách thành phố cho xe buýt ở mức hợp lý, từng bước giảm bớt gánh nặng hỗ rợ từ ngân sách nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu của dịch vụ công ích và chính sách an sinh của thành phố.
Đây là loại hình dịch vụ mang tính dịch vụ công ích xã hội cao, nên 8 năm qua (từ năm 2006) đến nay giá xe buýt mới điều chỉnh 1 lần (năm 2012). Tuy nhiên giá xe buýt hiện thấp so chi phí, TP mỗi năm phải trợ giá hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2014, dự kiến trợ giá 1.000 tỷ đồng, vẫn thiếu trên 200 tỷ đồng. Theo đề án, nếu việc điều chỉnh giá vé xe buýt nay được thực hiện (từ ngày 1/5) thì năm 2014 thu thêm được khoảng trên 260 tỷ đồng, gần đủ cân đối chi phí, còn thiếu ngân sách TP sẽ bù.
Chương trình điều chỉnh giá vé xe buýt được thực hiện theo quy trình, với sự tham gia liên ngành (Sở Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư…). Chương trình xây dựng trên cơ sở Quyết định số 40/1998/QĐ - TTg ngày 18/2/1998 của Thủ tướng chính phủ, quy định khả năng chi tiêu tối đa nhu cầu đi lại là 12%. Trong khi thu nhập bình quân năm 2013 của người dân Hà Nội là 38 triệu đồng/năm, tăng 25% so với năm 2012 và tăng 220% so với năm 2006. “Tính ra, khả năng chi trả cho nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội hiện đạt 377.000 đồng/tháng, bởi vậy việc điều chỉnh giá xe buýt tại thời điểm này là phù hợp, không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân” - ông Linh khẳng định.
Về khắc phục ô nhiễm môi trường, năm 2013, ngành vận tải đã thay thế được 140 xe buýt cũ thải khói ô nhiêm trên tổng số 1.400 xe buýt hiện có.
Giải thích về mức tăng thu tiền vé từ 11% lên 40% là cao, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, mức thu này tùy theo đối tượng đi xe buýt. Nếu người mua vé tháng 200.000 đồng/tháng thì được đi liên tuyến, nhiều tuyến, nhiều lượt thì vẫn rẻ (phù hợp với người đi lại nhiều…); còn đi vé lượt mới chịu mức thu cao hơn trước đó. Mục đích khuyến khích nhiều người đi lại bằng vận tải hành khách công cộng, góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm tải ùn tắc.
Theo phương án đề xuất điều chính giá vé xe buýt: Cự ly dưới 25km, giá vé hiện là 5.000 đồng lên 7.000 đồng/lượt (tăng 40%); cự lý ngắn hơn và bằng 30km: từ 6.000 đồng lên 7.000 đồng (tăng 16%); trên 30km từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng (tăng 14%). Đối với vé tháng (ưu tiên giảm 50% đối học sinh, sinh viên, người cao tuổi, công nhân KCN) đi 1 tuyến là 45.000 đồng tăng lên 50.000 đồng (tăng 11%); Liên tuyến từ 90.000 đồng lên 100.000 đồng (tăng 11%); Ưu tiên giảm 30% (đối tượng không ưu tiên mua vé theo hình thức tập thể), giá vé: 1 tuyến là 70.000 đồng, liên tuyến 140.000 đồng.
Đối tượng không ưu tiên: 1 tuyến giá vé là 90.000 đồng tăng lên 100.000 đồng (tăng 11%); Liên tuyến 140.000 đồng lên 200.000 đồng (tăng 43%).
Theo cách tính trên, 1 hành khách đi vé lượt phải trả là 7.500 đồng/hành khách, bằng 79% chi phí, ngân sách hỗ trợ 1.016 đồng/hành khách, băng 21% chi phí; còn 1 hành khách đi vé tháng phải trả là bình quân là 110.000 đồng/hành khách gần bằng 32% chi phí, ngân sách phỉ hỗ trợ 233.618 đồng/hành khách, bằng 68% chi phí. Theo thống kê, đợt điều chỉnh giá vé xe buýt (1/10/2012), số lượng khách đi xe buýt không giảm, quý IV/2012 tăng 3% so cùng kỳ 2011.
Ảnh minh họa.
|