Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng kim ngạch XK năm 2010: Nhiều biện pháp gỡ bí đầu ra

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để XK tăng trưởng trong năm 2010, từ nay đến cuối năm Bộ Công thương sẽ tăng cường chuyển dịch cơ cấu XK theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng hàm lượng công nghệ cao,

KTĐT - Để XK tăng trưởng trong năm 2010, từ nay đến cuối năm Bộ Công thương sẽ tăng cường chuyển dịch cơ cấu XK theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng hàm lượng công nghệ cao, kim ngạch lớn, có khả  năng tăng trưởng cao  như dệt may, giầy dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử;

Xuất khẩu đã có tín hiệu tốt

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2010, kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước đạt khoảng 4,9 tỷ USD, giảm gần 600 triệu USD, tương đương 11% so với tháng 12/2009. Trong đó kim ngạch XK của khu vực kinh tế trong nước giảm 10,08%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 17,7% so với tháng 12/2009. Hầu hết kim ngạch XK các mặt hàng chủ lực đều giảm so với tháng 12/2009 như: Dầu thô giảm 29,62%; dệt may 14,96%; thủy sản 30,23%; điện tử, máy tính 11,53%; gỗ và sản phẩm gỗ 14,5%...

Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2009, kim ngạch XK tháng 1/2010  lại tăng khá cao, tới 28,1% (kim ngạch XK tháng 1/2009 chỉ đạt 3,719 tỷ USD). Lý do là  kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nên giá nhiều mặt hàng XK đã tăng so với tháng 1/2009 như: Dầu thô tăng 114%, cao su 87%, gạo 23%, than đá 40%. Nhiều mặt hàng XK đã tăng về sản lượng như hạt điều, chè, hạt tiêu, gạo, sắn và sản phẩm sắn… Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong tháng 1 so với cùng kỳ năm 2009 là: Thuỷ sản (270 triệu USD, tăng 27,9%); giày dép (380 triệu USD, tăng 6,3%); gạo (165 triệu USD, tăng 50,6%); gỗ và sản phẩm từ gỗ (270 triệu, tăng 37%); máy móc, thiết bị, dụng cụ (210 triệu, tăng 139%); dây diện và cáp điện (100 triệu USD, tăng 107,6%)…

Trong năm 2010, Bộ Công thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 60 tỷ USD, tăng 7% so với 2009. 
                      
Thuận lợi nhiều-khó khăn cũng không ít

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Công thương-Nguyễn Thành Biên: Đây là mục tiêu không đạt được một cách dễ dàng mặc dù từ cuối năm 2009 đến nay tình hình kinh tế thế giới đã dần phục hồi nhất là tại một số thị trường XK truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật Bản… kéo theo nhu cầu tiêu thụ tăng, làm tăng giá mua các mặt hàng Việt Nam XK vào các thị trường này. Kế đến là sản xuất trong nước phục hồi sẽ giúp đẩy mạnh hàng xuất khẩu hàng hoá; Việc Việt Nam ký được thêm một số hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là với Nhật Bản (đã có hiệu lực) vào cuối năm 2009 cũng đã tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh XK…

Nhưng bên cạnh những thuận lợi này vẫn còn không ít khó khăn: Sự phục hồi kinh tế ở nhiều nước còn chậm, lượng hàng tiêu thụ và giá chưa dễ tăng nhanh và nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch tăng lên ở nhiều nước. Bên cạnh đó gia tăng kim ngạch XK là không đơn giản nhất là việc tăng khối lượng nhóm hàng nông, lâm sản bởi khối lượng XK những mặt hàng đã đạt đến ngưỡng nên khó tăng thêm, thậm chí lượng XK có thể giảm như: Gạo dự kiến kim ngạch XK năm 2010 sẽ chỉ đạt khoảng 5,5 triệu tấn, giảm 9,9% về lượng, hạt tiêu và sắn các loại giảm khoảng 11%. Trong nhóm nhiên liệu – khoáng sản lượng XK của hai nhóm này sẽ  giảm trên 2,3 tỉ USD do phải phục vụ nhu cầu trong nước. Như vậy, với hai nhóm hàng nông sản và khoáng sản muốn tăng được kim ngạch XK sẽ phải trông chờ vào yếu tố tăng giá của thị trường thế giới.
                            
Nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu

Để XK tăng trưởng trong năm 2010, từ nay đến cuối năm Bộ Công thương sẽ tăng cường chuyển dịch cơ cấu XK theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng hàm lượng công nghệ cao, kim ngạch lớn, có khả  năng tăng trưởng cao  như dệt may, giầy dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử ; Phát triển XK các mặt hàng mới  như: thực phẩm chế biến, hóa phẩm tiêu dùng.

Ông Vũ Huy Hoàng-Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: Trong thời gian tới bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) tại các thị trường XK chủ lực: châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ…Cục XTTM sẽ chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường mới tại khu vực Trung Đông, Mỹ La tinh, châu Phi; Tiếp tục vận động Mỹ giành GSP cho Việt Nam. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh XK, bộ sẽ tăng cường thông báo kịp thời cho doanh nghiệp biết những yêu cầu của Trung Quốc trong việc kiểm tra kiểm dịch những mặt hàng mà Việt Nam XK sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó Bộ Công thương cũng sẽ đề xuất với Chính phủ có hỗ trợ vốn với lãi xuất ưu đãi để doanh nghiệp thu mua tồn trữ các mặt hàng hàng nông sản XK ( cà phê, hạt điều, tiêu) để giữ giá, giảm thiệt hại cho nông dân cũng như tránh bị khách nước ngoài ép giá. Giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật tại các thị trường Mỹ, EU đối với hàng XK nhất là hàng thủy sản; Tiếp tục vận động các nước EU sớm bỏ thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giầy có mũ da của VIệt Nam XK vào EU; Đẩy mạnh việc hỗ trợ các dự án đầu tư sản xuất hàng XK, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu. Tuy nhiên, để đẩy mạnh XK thì các doanh nghiệp không nên quá trông chờ vào nhà nước mà cần tận dụng các lợi thế XK từ các hiệp định thương mại song phương giữ Việt Nam với các nước nhất là Nhật Bản; Gắn  thị trường XK với nhập khẩu, thông qua đó đẩy mạnh XK giảm nhập siêu./.