Nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nếu tăng lương tối thiểu trong thời điểm này.Trong ảnh: Một phân xưởng tại Công ty Giày Thượng Đình.Ảnh: Hải Linh
Gánh nặng chồng chất
Theo điều tra trên 50 DN chủ yếu tại miền Bắc, do VCCI tiến hành từ tháng 10/2012 đến tháng 1/2013: Có tới 52% DN cho rằng, LTT hiện quá thấp, không có tác dụng đòn bẩy kinh tế, không có lợi cho người lao động (NLĐ) và DN mà chỉ có lợi cho bảo hiểm (BH). Do đó, DN đang cố gắng giải bài toán thu nhập thực tế nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiếu cho NLĐ, với mức lương trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn LTT vùng, mức của Dự án tăng LTT 2013 đang triển khai và Nghị định 103/NĐ-CP. Đa số DN đánh giá chính sách tăng LTT sẽ có tác động tiêu cực, bởi nó gây xáo trộn hoạt động DN về quản lý sản xuất và nhân lực, làm tăng chi phí sản xuất do thay đổi cách tính lương, đóng BH tăng, nên làm tăng giá thành và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. 42% DN cho rằng, nên áp dụng thời điểm tăng LTT vào đầu năm tài chính, 32% cho rằng nên có một khoảng thời gian từ khi thông báo tới thời điểm áp dụng để DN chuẩn bị, 26% đề nghị dời thời điểm áp dụng tăng LTT vì DN đang gặp khó khăn...
"Về tổng thể, DN không đánh giá cao chính sách tăng LTT trong thời điểm hiện tại, với lý do chính là DN đang phải chống chọi với nhiều khó khăn" - bà Nguyễn Minh Chi, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn VCCI chia sẻ. Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nữ Hà Nội Vũ Thị Mai Thu ví von: DN Việt Nam đang phải "leo dốc" với gánh nặng rất lớn nên cần tìm cách bớt nặng để họ vượt qua. Trong đó, việc quy định tăng tiền lương ngoài giờ từ 200% hiện nay lên 300% theo Bộ Luật LĐ mới là quá sức DN.
Cần mức độ và thời điểm hợp lý
Năm 2012 đã có 50.000 DN phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Trong ngành da giày, hiện có 800 DN với trên 1 triệu NLĐ, một trong ít ngành sử dụng nhiều LĐ nhất cả nước, một DN da giày nhỏ cũng có ít nhất 300 LĐ, DN lớn thậm chí lên tới vài ngàn người. Trong khi đó, nếu LTT tăng thì chẳng những ảnh hưởng tới 10% chi phí của sản xuất mà mọi vật tư, nguyên nhiên liệu đầu vào như giá xăng, điện, nước… đều tăng, tức là sẽ gây tác động dây chuyền. "Tăng LTT cần có lộ trình phù hợp với mức tăng trưởng, năng suất LĐ của DN. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước tới NLĐ là rất tốt nhưng cần quan tâm hơn tới giới chủ sử dụng LĐ" - Viện trưởng Viện Da giày, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam Ngô Đại Quang nhấn mạnh. Một khi có thông tin điều chỉnh LTT trong tình hình hiện nay sẽ khiến NLĐ dao động không tập trung vào công việc và phát sinh đình công, bãi công, còn DN thì chịu thêm nhiều chi phí BHYT, BHXH… vì căn cứ theo lương cơ bản.
Phó Chủ tịch VCCI Phạm Gia Túc khẳng định: Năm 2012, quan hệ LĐ trong DN tại nước ta vẫn diễn biến phức tạp với số vụ đình công tiếp tục gia tăng. Dù Bộ Luật Lao động sửa đổi đã có hiệu lực từ 1/5/2013 nhưng còn nhiều điểm bất hợp lý, cũng như chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật được ban hành. Do đó, rất cần những đóng góp từ DN để góp phần hoàn thiện chính sách, trong đó riêng chuyện tăng LTT cần được suy xét thấu đáo, bởi sẽ gây tác động nhiều mặt tới kế hoạch sản xuất, quản lý DN, việc làm…
Vì vậy, nhóm nghiên cứu VCCI đề xuất mức tăng LTT tới đây không nên đột biến quá cao (35%), cần tăng dần theo kế hoạch và có lộ trình được công bố trước giúp DN chủ động. Đặc biệt, cần xây dựng chế độ giám sát viên nhằm đảm bảo quy định LTT được thực thi nghiêm minh và công bằng, nhất là nên có nhóm nghiên cứu LTT để đảm bảo mức tăng và thời điểm tăng hợp lý, đi kèm với chính sách an sinh cho NLĐ và hỗ trợ DN một cách nhất quán.