Bên cạnh đà tăng cao của lãi suất vàng, nhiều nhà băng bắt đầu dâng cao lãi suất huy động của các loại ngoại tệ không phải USD như EUR, AUD, CAD..., có kỳ hạn lên tới 4% mỗi năm. Thông thường, lãi suất ở những ngoại tệ khác USD tại nhiều ngân hàng áp rất thấp, chỉ từ 0,1% đến 0,5% một năm, hoặc không có trong cơ cấu huy động, hay không phổ biến trong thanh toán xuất nhập khẩu như đồng USD. Tuy nhiên, từ ngày 15/11, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) quyết định tăng lãi suất tiền gửi EUR và CAD lên mức khá cao. Theo đó, lãi suất huy động EUR cao nhất lên 3% một năm ở kỳ hạn 12 tháng (trước đó chỉ khoảng 1-2% mỗi năm). Mức lãi suất trên vẫn thấp hơn một số nhà băng có quy mô nhỏ. Tại TinNghiaBank, lãi suất huy động EUR các kỳ hạn 12-24 tháng hiện đã ở mức 3,1-3,2% một năm. Mức cao nhất hiện nay phải kể đến Ngân hàng cổ phần Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động EUR đã lên 4% mỗi năm cho các kỳ hạn 12-24 tháng. Không chỉ EUR, lãi suất tiết kiệm AUD cũng tăng mạnh sau khi HSBC Việt Nam áp mức 4% mỗi năm cách đây hơn một tháng. Lãi suất huy động ngoại tệ này tại Eximbank hiện đã ở 3,5-3,7% một năm kỳ hạn ngắn 1-3 tháng; trong khi kỳ hạn 6,9 và 12 tháng là 3,8% một năm. Tương tự, SCB, lãi suất huy động AUD được công bố dao động 3,5-3,8% một năm ở các kỳ hạn 1-12 tháng; còn TinNghiaBank kỳ hạn 6-24 tháng là 3,8% một năm. Trước động thái trên của các ngân hàng, một chuyên gia tài chính tại TP HCM nhận xét, khi đưa ra quyết định tăng lãi suất trên, các nhà băng phải tính đến những yếu tố bên trong và bên ngoài. Đó là nhu cầu trong nước, và xu hướng của chính đồng tiền đó trên thế giới. Đại diện Ngân hàng HSBC cũng đồng tình với quan điểm này và khẳng định, một trong những lý do mà nhà băng này tăng lãi suất đồng AUD đều nằm trong xu thế chung của thị trường quốc tế. "Hiện nay, lãi suất đồng tiền này trên thị trường thế giới đang rất cao nên chúng tôi phải điều chỉnh tăng", đại diện HSBC nói. Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM nhìn nhận, ngoài yếu tố cung cầu, có thể do lãi suất tiết kiệm của tiền đồng và USD bị khống chế nên các nhà băng chuyển hướng sang huy động các loại ngoại tệ khác bằng việc đẩy lãi suất lên cao. "Một khi Ngân hàng Nhà nước dùng biện pháp hành chính can thiệp, tất yếu bịt đầu này sẽ bị xì đầu kia. Thực tế là lãi suất huy động vàng và các loại ngoại tệ phi USD đang dâng cao do không bị khống chế trần lãi suất", ông Dương nhận xét. Diễn biến mới này khiến nhiều người nghi ngại, có thể thời gian tới sẽ xảy ra hiện tượng người dân rút tiền đồng và chuyển sang gửi bằng EUR, AUD hay CAD để hưởng lợi. Tuy nhiên Tiến sĩ Dương cho rằng, khả năng trên là rất ít. Bởi hiện nay, mức lãi suất tiền đồng khoảng 14% một năm vẫn rất hấp dẫn, trong khi các đồng ngoại tệ trên vốn không được người dân Việt Nam ưa chuộng từ trước đến nay.