Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng mức phạt vẫn chưa hết lo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngân hàng Nhà nước vừa hoàn tất Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nhằm thay thế Nghị định 202/2004/NĐ- CP. Song, quy định này có góp phần ngăn chặn cơ bản những hành vi gian lận, lách luật của một số ngân hàng hiện nay?

Tăng các mức phạt

 
Theo Dự thảo này, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gồm vi phạm các quy định về: Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng; cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành, kiểm toán; cổ phần; huy động vốn… Các hành vi vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 2 tỷ đồng, chưa kể phạt bổ sung bằng các hình thức khác như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ có thời hạn việc thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng liên quan đến hành vi vi phạm hành chính… 

Tăng mức phạt vẫn chưa hết lo - Ảnh 1
Xử phạt trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng phải quyết liệt và đồng bộ. Ảnh: Trần Việt
Dự thảo cũng đề xuất mức phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi không duy trì một trong các tỷ lệ bảo đảm an toàn: Tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn; trạng thái ngoại tệ, trạng thái vàng tối đa so với vốn tự có… Đồng thời, phạt tiền từ 1 đến 2 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ; đề xuất phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi phát hành giấy tờ có giá không đúng với các nội dung đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Đối với hành vi phát hành giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ hoặc bằng vàng để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài không đúng quy định của pháp luật, Dự thảo đề xuất mức phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1,6 tỷ đồng. Các vi phạm về lãi suất huy động, Dự thảo quy định rõ: phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi áp dụng mức lãi suất cao hơn mức lãi suất theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nếu có hành vi không niêm yết công khai lãi suất huy động vốn và mức phí cung ứng dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng… Các mức phạt này trong quy định hiện hành là 12 đến 15 triệu đồng cho một hành vi vi phạm. 

 
Nhưng phải đồng bộ 
 
Thoạt nhìn, người ta dễ nhận ra quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong lập lại kỷ cương đối với hoạt động ngân hàng. Vì thực tế diễn biến thời gian gần đây cho thấy, các vi phạm của một số ngân hàng thương mại diễn ra rất tinh vi. Nếu không có biện pháp mạnh thì bệnh sẽ lây lan, gây ra những nguy cơ rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng. Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong lo ngại rằng, nếu chỉ ban hành mức phạt mới nặng mà không có các biện pháp đồng bộ khác, thì rất có thể hình thức phạt nặng chỉ là công cụ để một số người lợi dụng. Bởi lẽ, một khi bị phát hiện, ngân hàng có hành vi vi phạm phải đối diện với một mức phạt rất cao, như vậy tất sẽ tìm mọi cách để né tránh. Hiệu quả trong hoạt động của các ngân hàng vẫn sẽ không cao nếu như cơ chế kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước không đảm bảo tính ba bên, mà chỉ một mình Ngân hàng Nhà nước biết về các hành vi vi phạm này. 
 
Không ít ý kiến cho rằng, nên chăng bên cạnh việc nâng mức xử phạt nặng, cần tìm ra một cơ chế kiểm tra chéo, để các tổ chức độc lập phi lợi nhuận thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội cũng nắm được thông tin về những hành vi vi phạm này. Chỉ khi đó, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động ngân hàng mới thực sự phát huy hết hiệu quả của nó, góp phần chấn chỉnh hoạt động ngân hàng đi đúng quy định của pháp luật.