Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng năng suất lao động bắt đầu từ… tăng lương?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện tăng lương gắn với tăng năng suất lao động (LĐ), thương lượng tập thể là chủ đề nóng được đưa ra tại Hội thảo chính sách tiền lương Việt Nam do Bộ LĐTB&XH, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Hội đồng Tiền lương Quốc gia tổ chức diễn ra trong 2 ngày (25 - 26/11) tại Hà Nội.

Những tác động tích cực

Theo thống kê của ILO, tại Việt Nam, chỉ khoảng một phần ba số LĐ có việc làm được hưởng lương - nguồn thu nhập chính của họ. Tỷ lệ này khá thấp so với trung bình trên thế giới (khoảng hơn 50%). Tuy nhiên, Việt Nam sẽ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này với thế giới, bởi tỷ lệ LĐ làm công ăn lương trên tổng số LĐ có việc làm được dự báo là sẽ tăng nhanh trong những thập niên tới. Năm 2013, số LĐ làm công ăn lương chiếm 34,8% tổng số LĐ có việc làm, tăng đáng kể so với mức 16,8% năm 1996. Năm 2012, mức lương bình quân đạt 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD), cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và Indonesia (174 USD). Tuy nhiên, mức lương bình quân của Việt Nam vẫn thấp hơn Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD) và Singapore (3.547 USD). Sự khác biệt về tiền lương giữa các quốc gia thành viên ASEAN phản ánh những khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó nguyên nhân chính là năng suất LĐ. Thực tế, những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện cải cách cơ cấu và nâng cao kỹ năng của lực lượng LĐ như Singapore, Malaysia, Thái Lan là những quốc gia tạo ra nền tảng cho hoạt động hiệu quả của DN và có năng suất LĐ cao hơn.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai.             Ảnh: Danh Lam
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai. Ảnh: Danh Lam
Theo ông Multe Luebket - Chuyên gia cao cấp khu vực về tiền lương Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương: "Về sự gắn kết tiền lương với năng suất LĐ, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các chính sách về
Để thành công trong bối cảnh tiền lương tăng, DN cần sự hỗ trợ của Chính phủ để có được một nền giáo dục và đào tạo nghề chất lượng cao cho lực lượng LĐ; đầu tư công cho cơ sở hạ tầng, điều tiết giá năng lượng hợp lý; và những biện pháp cải tiến, nâng cấp công nghệ... để tăng cường khả năng cạnh tranh của DN.

Bà Sandra Polaski - Phó Tổng Giám đốc ILO
tiền lương có thể giúp các quốc gia chuyển thành tựu kinh tế có được từ hội nhập khu vực thành sự thịnh vượng chung và phát triển công bằng. Đồng thời, duy trì cạnh tranh trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế có tiền lương thấp sang nền kinh tế có năng suất LĐ cao. Ngược lại, đẩy mạnh năng suất LĐ dài hạn là cơ sở quan trọng để tăng tiền lương và cải thiện mức sống ở Việt Nam".

Mặt khác, tiền của người lao động là một nguồn quan trọng kích cầu tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm và dịch vụ của DN. Vì vậy, tiền lương cũng là một động lực quan trọng cho đầu tư, công nghiệp hóa, đa dạng hóa, tăng trưởng chung và phát triển. Điều này giúp làm giảm sự lệ thuộc vào xuất khẩu. Đây là bài học mà rất nhiều quốc gia thiên về xuất khẩu đã học được từ các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.

Còn nhiều thách thức

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong chính sách lương hiện nay, đó là năng lực cạnh tranh của các DN chưa cao, năng suất LĐ của người LĐ còn thấp, các vấn đề tiền lương và đời sống người LĐ còn nhiều khó khăn. Ở khía cạnh khác, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết, hiện Việt Nam có nhiều DN nhỏ, khả năng cạnh tranh chưa cao, năng lực thương lượng, thỏa thuận tiền lương của người LĐ hạn chế, dẫn đến tiền lương có xu hướng bị ép".

Trước những thách thức này, ông Gyorgy Sziraczki - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, khi điều chỉnh mức lương tối thiểu, Việt Nam cần phải xem xét một loạt các yếu tố kinh tế và xã hội để cân bằng lợi ích của  người LĐ và DN. Kết quả nghiên cứu "Tiền lương tối thiểu và tác động đến DN tại Việt Nam" cho thấy, việc tăng lương tối thiểu trong giai đoạn 2001 - 2012 đã dẫn tới tăng mức lương bình quân thực tế đối với cả DN trả lương thấp và DN trả lương cao, đồng thời làm giảm nhẹ số việc làm. Tuy nhiên, tăng lương tối thiểu có tác động rất ít đến doanh thu và lợi nhuận của DN trong dài hạn. Ở góc độ DN, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: "Trong bối cảnh lạm phát 11 tháng năm 2014 dưới 2%, thấp nhất trong 10 năm qua, thì tăng lương 15% là con số lớn đối với DN. Tới đây, DN phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để duy trì được tỷ suất lợi nhuận hợp lý và giá thành cạnh tranh để tiếp tục giữ được các đơn hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu. Trong những năm tới, tôi cho rằng, mức tăng lương hàng năm dưới 10% sẽ hợp lý hơn".

Nhiều chuyên gia ILO nhận định, trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn nhất trong việc tăng trưởng năng suất LĐ cho đến năm 2025. Bởi lẽ, Việt Nam có lực lượng LĐ trẻ, có nền tảng giáo dục cơ bản vững chắc. Việt Nam cũng ngày càng có nhiều DN năng động. Nhưng, để phát huy hết tiềm năng tăng năng suất LĐ trong những năm tới, Việt Nam cần phải xóa bỏ một số rào cản cản trở tăng trưởng thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao công nghệ và giáo dục, đào tạo nghề. Đây là nhiệm vụ không hề nhỏ, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các bộ, các DN và tổ chức công đoàn.