Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng nội lực để giữ thị phần

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin việc hệ thống bán lẻ 7-Eleven sắp mở cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, nhiều DN lo lắng sẽ mất thị phần bán lẻ, ảnh hưởng tới việc tiêu thụ hàng Việt.

Doanh nghiệp Nhật “tấn công” thị trường bán lẻ
Cuối tháng 2 vừa qua, trên trang web của Công ty CP Seven System Việt Nam (đại lý nhượng quyền của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven) đã ra thông báo tuyển dụng nhân viên. Theo đó, các vị trí cần tuyển bao gồm quản lý cửa hàng, nhân viên cửa hàng, chuyên viên phát triển cửa hàng, chuyên viên marketing và chuyên viên đào tạo. Trang web này cũng nêu rõ: Theo kế hoạch, sau khi khai trương cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đầu tiên, chuỗi cửa hàng tiện lợi này sẽ tiếp tục mở 100 cửa hàng tại Việt Nam trong 3 năm và trong 10 năm tiếp theo sẽ mở tới 1.000 cửa hàng bán lẻ.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm hàng Việt Nam tại siêu thị HC Thái Thịnh.  Ảnh: Thanh Hải

Thực tế cho thấy, 7-Eleven không phải là DN Nhật Bản đầu tiên khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước đó, tháng 7/2016, Tập đoàn Takashimaya đã chính thức khai trương trung tâm thương mại (TTTM) rộng 15.000m2 tại Saigon Center (TP Hồ Chí Minh). Tập đoàn Aeon cũng đang vận hành 3 TTTM Aeon Mall tại TP Hồ Chí Minh,  Bình Dương, Hà Nội, và đặt mục tiêu mở 20 TTTM trong những năm tiếp theo. Nhằm khẳng định vị thế trên thị trường bán lẻ Việt Nam, Aeon mua lại một số hệ thống siêu thị, và hiện đã sở hữu 49% cổ phần hệ thống 30 siêu thị Citimart, đổi tên thành AEON Citimart.
Doanh nghiệp Việt không thua kém
Việc DN Nhật Bản, trong đó có 7-Eleven “tấn công” thị trường bán lẻ thông qua đầu tư cửa hàng tự chọn khiến nhiều DN bán lẻ Việt Nam lo lắng sẽ mất thị phần.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Việc mất thị phần bán lẻ vào tay DN ngoại hay không phụ thuộc vào chính bản thân DN Việt. Có như vậy là do sức ép của DN nước ngoài chỉ khoảng 30%, còn lại 70% nằm ở những bất cập nội tại của DN Việt. Ngoài ra, việc DN Nhật Bản đầu tư vào thị trường bán lẻ sẽ tạo cơ hội tiêu thụ hàng Việt, bởi hàng Việt đã được người dân tin dùng, giá cả rẻ hơn hàng nhập khẩu.
Theo ông Nishitohge Yasuo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam: Aeon vẫn duy trì chính sách ưu tiên bán hàng Việt Nam. Hiện, 80% hàng hóa bán tại khu vực tự chọn của siêu thị Aeon là hàng Việt Nam; hàng Nhật nhập khẩu về Việt Nam, tính cả thuế, phí các loại có giá cao gấp 2,5 - 3 lần so với giá bán ở Nhật.
Trong thời gian qua, DN bán lẻ Việt Nam đã chú trọng đầu tư hệ thống bán lẻ, cửa hàng tự chọn nên tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam của DN Nhật Bản nói chung và 7-Eleven nói riêng không hoàn toàn dễ dàng. Thực tế cho thấy, trong một thời gian ngắn, hệ thống cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu Vinmart+ đã lên đến 1.000 cửa hàng. Dự kiến trong năm 2017, Vingroup mở thêm khoảng 1.500 cửa hàng Vinmart+ tại 30 tỉnh, thành. Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động cũng đang mở rộng sang lĩnh vực này thông qua xây dựng hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh. Tính đến cuối năm 2016, Bách hóa Xanh đã có 50 cửa hàng với doanh thu trên 1 tỷ đồng/cửa hàng và lượng khách  đạt 20.000 lượt/tháng. Mục tiêu của Bách hóa Xanh trong năm 2017 là sẽ đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng và sẵn sàng cạnh tranh với 7-Eleven từ giữa năm 2018.
Nhằm hỗ trợ DN bán lẻ Việt Nam giữ vững thị phần, Chính phủ đã ban hành một loạt giải pháp như hỗ trợ mặt bằng, hạn chế việc cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài bán những mặt hàng mà Việt Nam không cam kết... Thế nhưng những chính sách hỗ trợ này chưa cụ thể, nhất là vấn đề quy hoạch mạng lưới bán lẻ. “Quyết định 1371/2004 của Bộ Thương mại ban hành chỉ đưa ra quy chế quản lý siêu thị, TTTM, chưa đưa hệ thống cửa hàng tiện ích vào diện quản lý, trong khi hiện mô hình này đã có hàng nghìn cửa hàng” - ông Phú nêu rõ.
Việc DN bán lẻ Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo ra “cuộc chiến” khốc liệt với DN Việt, tuy nhiên các DN Việt đẩy mạnh liên kết sẽ giữ vững thị phần. Đồng thời, Bộ Công Thương cần điều chỉnh Quyết định 1371/2004 phù hợp với thực tế, qua đó tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài.