Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng phí phù hợp với thực tiễn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống nhất sự cần thiết điều chỉnh nâng mức phí trông giữ xe đạp, xe máy cũng như tăng gấp đôi mức thu phí vệ sinh nhằm hạn chế, khắc phục những bất hợp lý hiện nay, chiều 4/12, với 81,1% số phiếu tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí trên địa bàn.

Tăng phí, nâng cao chất lượng

Theo đề xuất của UBND TP Hà Nội, mức phí trông giữ xe đạp, xe máy được giữ nguyên như hiện nay tại các huyện ngoại thành (trừ huyện Từ Liêm, thị xã Sơn Tây) và các bệnh viện, khu di tích, vui chơi giải trí. Còn tại các bãi trông xe ngoài trời, bên ngoài trung tâm thương mại, chung cư, mức phí trông giữ xe đạp điều chỉnh từ 1.000 đồng lên 2.000 đồng, xe máy từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng, ban đêm từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng, vé tháng là 70.000 đồng. Trong các chung cư cao cấp có hầm để xe lắp camera, quẹt thẻ thì mức phí cho xe đạp là 3.000 đồng/lượt, xe máy là 5.000 đồng/lượt, vé tháng là 100.000 đồng.  
 
Đại biểu Nguyễn Doãn Hoàn (Thạch Thất) phát biểu thảo luận.     Ảnh: Thanh Hải
Đại biểu Nguyễn Doãn Hoàn (Thạch Thất) phát biểu thảo luận. Ảnh: Thanh Hải
 
Cũng liên quan đến phí và lệ phí, mức thu phí vệ sinh cũng được đề xuất tăng gấp đôi: Cá nhân sống tại các phường đóng phí 6.000 đồng/người/tháng, còn cá nhân sống tại các xã, thị trấn đóng ở mức 3.000 đồng.

Thống nhất sự cần thiết và nguyên tắc điều chỉnh nâng mức thu phí vệ sinh đối với chất thải rắn sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình, các đại biểu (ĐB) cho rằng, việc tăng mức phí sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ và ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường, từng bước giảm dần trợ giá của ngân sách. 

Ủng hộ việc điều chỉnh nâng mức phí trông giữ xe đạp, xe máy, nhưng các ĐB đề nghị TP phải đảm bảo nguyên tắc: Tăng mức thu phí phải nâng cao hơn chất lượng dịch vụ. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bãi trông giữ phương tiện công cộng theo quy hoạch, tiếp tục rà soát sắp xếp lại các điểm trông giữ phương tiện giao thông trên vỉa hè, lòng đường để đảm bảo diện tích giao thông, vỉa hè cho người đi bộ, nhất là các tuyến phố chính và các tuyến phố có nhiều người đi bộ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Kiên quyết xử lý, thu hồi giấy phép đối với các tổ chức trông giữ xe xảy ra nhiều sai phạm kéo dài, hạn chế cấp phép trông giữ phương tiện một cách tràn lan và quá nhiều điểm như hiện nay.

Tiếp thu ý kiến của các ĐB,  lãnh đạo UBND TP cam kết sẽ thu hồi các bãi xe không có giấy phép, xử lý nghiêm các bãi xe thu vượt giá quy định. 

Liên quan đến lệ phí cấp mới (đăng ký lần đầu tại Việt Nam) giấy đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, UBND TP đề xuất giữ nguyên mức thu: 500.000 đồng với ô tô; ô tô con dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách được đề xuất mức lệ phí 20 triệu đồng; xe máy có giá trị từ 15 triệu đồng trở xuống là 500.000 đồng; xe trị giá trên 15 - 40 triệu đồng là 2 triệu đồng; xe trị giá trên 40 triệu đồng là 4 triệu đồng.

Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, từ ngày 1/1/2012 đến 6 tháng đầu năm 2013, cơ quan đã thu lệ phí đăng ký xe tổng số tiền là 920 tỷ đồng (đã trừ tiền mua biển số).

Bảng giá đất năm 2014 cơ bản giữ nguyên 

Theo tờ trình Dự thảo Nghị quyết về bảng giá đất năm 2014 trên địa bàn, giá chuyển nhượng thực tế các quyền sử dụng đất tại các quận, huyện của Hà Nội năm 2013 thấp hơn năm 2012 khoảng từ 10 - 15%, giao dịch đất ở tiếp tục có xu hướng giảm, chưa có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, mức giá giao dịch trên thị trường nhìn chung cao hơn bảng giá đất 2013 do TP ban hành, tính cả trường hợp vượt khung 20% mà Chính phủ cho phép. Đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, phần lớn các đơn vị đều lựa chọn thuê đất có trả tiền hàng năm, nhưng do khó khăn chung của nền kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị đều phản ánh giá thuê đất vẫn ở mức cao trong cơ cấu chi phí sản xuất kinh doanh.

Từ những căn cứ thực tế, UBND TP đề xuất bảng giá đất 2014, áp dụng cho một số loại đất cụ thể. Đối với đất nông nghiệp, đề xuất giữ nguyên khung giá như năm 2013 với mức trần theo khung giá của Chính phủ là 105.000 đồng/m2.

Đối với giá đất ở tại nội thành, sau khi đã có điều chỉnh và bổ sung một số tuyến phố, giá đất ở có mức tối thiểu là 3.456.000 đồng/m2 (Dương Nội, Hà Đông), mức tối đa là 81 triệu đồng/m2, áp dụng với các tuyến phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm). Mức tối đa này được giữ nguyên trong 4 năm nay.

Giá đất ở tại các thị trấn, huyện, thị xã, khu vực giáp ranh và khu vực nông thôn có mức tối thiểu dao động từ 400.000 - 1.155.000 đồng/m2, mức giá tối đa dao động từ 2,2 triệu đồng/m2 - 32 triệu đồng/m2. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp được đề xuất mức tối thiểu từ 280.000 đồng/m2, tối đa là 47 triệu đồng/m2.

Nghị quyết về bảng giá đất năm 2014 của Hà Nội sẽ được HĐND TP thảo luận xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp (chiều ngày 6/12).
 
Xem xét thông qua 4 Nghị quyết
Ngày 4/12, HĐND TP Hà Nội đã hoàn thành nội dung ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 8, với việc thông qua 4 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết về việc ban hành Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn; Nghị quyết về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí trên địa bàn; Nghị quyết về Chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội giai đoạn 2014 - 2020; Chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội; Chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn TP Hà Nội.