Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đào tạo công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các trường công được quyết định mở ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội, được cấp phát và quản lý văn bằng chứng chỉ; được liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước; được quyết định mức giá học phí đào tạo tối đa.

Đây là những quyền của đơn vị giáo dục tự chủ hoàn toàn, được quy định tại dự thảo Nghị định Quy định cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số người làm việc và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, vừa được Bộ GD&ĐT công bố lấy ý kiến hôm nay 27/10.

Theo dự thảo, đơn vị sự nghiệp giáo dục tự chủ hoàn toàn có quyền tự chủ ở 4 mảng nội dung. Thứ nhất là tự chủ thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH). Trong đó, các đơn vị được quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được tự chủ tuyển sinh. Các đơn vị cũng được quyết định các hoạt động đào tạo và chương trình giáo dục; thực hiện kiểm định chất lượng và bảo đảm chuẩn đầu ra; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ. 
Tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đào tạo công - Ảnh 1
 
Cùng với đó là được quyết định hướng nghiên cứu, tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ; quyết định việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất và giá trị thương hiệu của nhà trường để liên danh, liên kết thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn. Và, được liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài trên cơ sở chương trình liên kết đã được kiểm định. 

Về tổ chức và bộ máy nhân sự, đơn vị sự nghiệp giáo dục tự chủ hoàn toàn được quyết định thành lập mới, sáp nhập, giải thể, chia, tách; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các tổ chức trực thuộc. Các đơn vị cũng có quyền quyết định cơ cấu và số lượng người làm việc, tuyển dụng viên chức, nhân viên hợp đồng theo nhu cầu của trường; được giao kết hợp đồng với giảng viên, nhà khoa học người nước ngoài để bảo đảm nhu cầu giảng dạy, NCKH. 

Cũng theo dự thảo, các đơn vị tự chủ hoàn toàn được phép quyết định mức giá (học phí) đào tạo bình quân tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp bình quân cho mỗi SV công lập trong cả nước. Đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo theo nhu cầu của người học và chất lượng đào tạo, các đơn vị bảo đảm mức giá đào tạo bình quân trong trường không vượt quá giới hạn mức giá đào tạo tối đa bình quân. Và các đơn vị phải công khai học phí đào tạo cho người học biết trước khi tuyển sinh. Đồng thời thực hiện chính sách học bổng đối với HS, SV giỏi, SV thuộc diện chính sách. Còn giá dịch vụ, các đơn vị quy định cụ thể và công khai các khoản giá theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí.

Về nội dung đầu tư, mua sắm, các đơn vị được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp của nhà trường và các nguồn hợp pháp khác do nhà trường tự huy động. 

Để có được các quyền nói trên, các đơn vị sự nghiệp giáo dục phải xây dựng Đề án tự chủ hoàn toàn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong đó cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước giao và các nội dung tự chủ khác theo quy định của pháp luật.