KTĐT - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hai tháng đầu năm nay, để đáp ứng sản lượng toàn hệ thống tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, ngoài gần 6,4 tỷ kWh điện tự sản xuất, tăng 9,9%, EVN còn mua ngoài 8,98 tỷ kWh, tăng 14%.
Trước tình hình thiếu điện nghiêm trọng diễn ra dẫn đến phải cắt giảm nhu cầu sử dụng điện, ngay trong tháng 1/2011, EVN đã phân bổ sản lượng và công suất của 6 tháng đầu năm 2011 cho các tổng công ty điện lực, đồng thời chỉ đạo các tổng công ty xây dựng kế hoạch cung ứng điện theo sản lượng từng tháng, trung bình ngày để phân bổ cho từng công ty điện lực trực thuộc.
Trong tháng 2/2011, các tổng công ty/công ty điện lực tỉnh, thành phố cũng trình Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch cung cấp điện của từng địa phương làm căn cứ thực hiện.
EVN dự kiến trong tháng 3/2011, sản lượng điện cung cấp của hệ thống đạt 294,8 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 15.500 - 16.100 MW. Do vậy, mục tiêu vận hành hệ thống điện trong tháng phấn đấu đảm bảo cấp điện cho sản xuất và nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Các Nhà máy thủy điện khai thác theo thực tế nước về để đảm bảo giữ nước ở mức cao nhất có thể với mục tiêu giữ nước các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Pleikrông, Ialy, Trị An, Thác Mơ và Hàm Thuận. Bên cạnh đó, huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than, tua bin khí, nhiệt điện dầu FO; đồng thời tiếp tục mua tối đa điện của Trung Quốc.
Đến tháng 2/2011, tổng lượng nước về các hồ thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm là 189 triệu m3. Một số hồ thủy điện như Tuyên Quang, Ialy, Đại Ninh, Trị An và Thác Mơ tần suất nước ở mức 80-98%. Mực nước các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Tuyên Quang, Trị An và Ialy chỉ cao hơn mực nước chết từ 4-10m.
Hệ thống điện quốc gia đang vận hành trong tình trạng căng thẳng, EVN yêu cầu các Nhà máy điện thực hiện đúng phương thức huy động của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (Ao), các nhà máy nhiệt điện bảo đảm tối đa công suất phát; đặc biệt đảm bảo tiến độ, rút ngắn thời gian sửa chữa các tổ máy.
Hiện nay, tổ máy số 2 nhiệt điện Hải Phòng (300 MW) đã ngừng sửa chữa từ ngày 13/2, dự kiến đến ngày 9/3 mới đưa vào vận hành; Máy biến áp tăng áp của tổ máy ST3 nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 bị sự cố từ 23/1 làm giảm công suất 550 MW, dự kiến cũng đưa vào vận hành từ ngày 9/3 và khôi phục công suất nhà máy (720MW) vào ngày 18/3 tới.