Tặng sổ BHXH tự nguyện, thẻ BHYT cho người nghèo: Tạo “giá đỡ” an sinh hữu hiệu

Bài, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Hà Nội đã khơi nguồn lực xã hội, cùng sự hỗ trợ, chung tay của các nhà hảo tâm để tặng sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hàng trăm người yếu thế, nhằm chia sẻ với những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, qua đó lan tỏa tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong bối cảnh hàng triệu lao động bị ảnh hưởng về việc làm do tác động của dịch Covid-19, chính sách này càng thể hiện rõ tính ưu việt, tạo “giá đỡ” an sinh hữu hiệu cho lao động tự do.

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa trao tặng sổ BHXH cho người dân có hoàn cảnh khó khăn xã Ba Vì, xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì).
"Phao cứu sinh" của người nghèo
Vốn là hộ thuộc diện khó khăn của xóm núi Yên Sơn, xã Ba Vì, nay bà Dương Thị Hồng vỡ òa cảm xúc khi được tặng thẻ BHYT, niềm vui trong bà thật khó tả. Bà Hồng chia sẻ, trước đây, do hoàn cảnh khó khăn, bà chưa mua được thẻ BHYT. Thật là may mắn khi tháng 5 vừa qua, xét hoàn cảnh, BHXH huyện Ba Vì đã tặng bà thẻ BHYT. “Ngày 18/6, trong cơn đau quặn ở bụng, bà phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì với kết luận viêm ruột thừa, phải mổ. Ngày 25/6, bà được xuất viện, với hóa đơn viện phí hơn 6,2 triệu đồng nhưng bà chỉ phải thanh toán khoảng hơn 1 triệu đồng. Số tiền còn lại được BHYT đồng chi trả. Nếu không có BHYT, tôi không biết lấy đâu ra tiền để thanh toán viện phí. Thẻ BHYT như chiếc "phao cứu sinh" không thể thiếu, giúp mỗi gia đình vững vàng hơn khi bị ốm đau, bệnh tật. Vì thế, sau này, khi tấm thẻ được tặng hết thời hạn sử dụng, thì bản thân tôi sẽ cố gắng tham gia BHYT đều đặn hằng năm " – bà Hồng tâm sự.

Nhận cuốn sổ BHXH tự nguyện được tặng, chị Nguyễn Thị Duyên (38 tuổi, xã An Phú, huyện Mỹ Đức) chia sẻ, là lao động tự do, gia đình làm nông nghiệp mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện từ lâu nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa tham gia được. “Chồng tôi đã mất 3 năm nay do không may mắc phải căn bệnh ung thư thận quái ác, chỉ còn lại 3 mẹ con nương tựa nhau để sống. Nay may mắn được các cơ quan tặng sổ BHXH, đây sẽ là động lực cho chúng tôi cố gắng tạo thêm thu nhập, ý thức nỗ lực làm việc, tiết kiệm để tiếp tục duy trì đóng BHXH tự nguyện, đóng BHYT hàng năm” – chị Duyên chia sẻ.

Cải thiện chất lượng cuộc sống

Chia sẻ về chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết, hiện nay, toàn huyện có 97 hộ nghèo, với 349 nhân khẩu chiếm 0,17%. 1.552 hộ cận nghèo với 4.364 nhân khẩu chiếm 2,67%. Đối với xã An Phú là xã miền núi cũng là xã duy nhất có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 67% dân số toàn xã, điều kiện kinh tế khó khăn. Hiện hộ nghèo có 39 hộ, với 138 nhân khẩu chiếm 1,78%.

Thời gian qua, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn có chuyển biến tích cực, số người tăng nhanh qua các năm. Số người tham gia BHXH tự nguyện đến tháng 9/2021 toàn huỵên có 2.062 người. Số người tham gia BHYT hộ gia đình có 41.158 người. Tuy nhiên, với xã An Phú công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT còn hạn chế. Đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện mới có 82 người (trong đó có 50 sổ được tặng). Số người tham gia BHYT hộ gia đình có 1.056 người.
Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, hưởng ứng Chương trình “Cả nước chung tay vì sự nghiệp BHXH, BHYT toàn dân” do BHXH Việt Nam phát động, nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, BHXH Hà Nội đã phối hợp Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Thăng Long huy động được tổng số kinh phí là 245.430.000 đồng để mua 150 sổ BHXH và 150 thẻ BHYT tặng cho bà con thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bà con có hoàn cảnh khó khăn của 2 xã Ba Vì, xã Khánh Thượng thuộc huyện Ba Vì và xã An phú thuộc huyện Mỹ Đức.
“Việc tặng sổ BHXH tự nguyện và thẻ BHYT nhằm giúp người dân tại hai xã có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện, được tham gia vào hệ thống an sinh của Nhà nước. Món quà này cũng nhằm góp phần tạo động lực giúp bà con yên tâm lao động, vươn lên thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống.. Từ đó có trách nhiệm tham gia nối tiếp để sổ BHXH tự nguyện, thẻ BHYT tiếp tục đồng hành và phát huy hiệu quả, hướng tới mục tiêu lâu dài là tất cả người dân đều có lương hưu và được chăm sóc sức khỏe khi về già" – ông Hòa nhấn mạnh.

Thời gian tới, để tăng độ bao phủ BHYT tới 100% dân số trên địa bàn, tỷ lệ lao động tham gia BHXH tự nguyện chiếm 1% lực lượng lao động trong độ tuổi, BHXH

Hà Nội đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, tăng cường tuyên truyền, vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đồng thời, các địa phương có cơ chế huy động các DN, nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc để hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con được tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần đảm bảo quyền lợi an sinh của người dân.

Xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì hiện có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống người dân đa số phụ thuộc vào nông nghiệp, chăn nuôi nên mức thu nhập rất thấp. Thời gian tới, thực hiện rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Khánh Thượng có thể còn cao hơn, từ 4 - 5%. Tuy nhiên, toàn xã Khánh Thượng hiện mới chỉ có 112 người tham gia BHXH tự nguyện.

Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì Hoàng Văn Chìu