Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng sức cạnh tranh cho ngành thép

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 2/8, Quyết định 2968/QĐ-BCT về việc chính thức áp thuế tự vệ thương mại với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam của Bộ Công Thương có hiệu lực.

Điều này đã khiến nhiều người lo lắng giá sắt thép sẽ tăng trở lại như đã từng xảy ra hồi tháng 3, khi mới áp thuế tự vệ tạm thời.

Sắt, thép hạ giá

Nếu như đầu tháng 3/2016, các đại lý kinh doanh sắt thép xây dựng đã đẩy giá lên cao khi Bộ Công Thương áp thuế tự vệ tạm thời. Tuy nhiên từ tháng 4/2016 đến nay, giá sắt thép liên tục giảm. Trong tháng 6 giá sắt thép xây dựng tùy từng chủng loại dao động từ 12.800 - 14.940 đồng/kg thì đến tháng 7 đã giảm từ 500 - 800 đồng/kg so với tháng 6, hiện dao động từ 12.300 - 14.150 đồng/kg. Giá giảm nhưng sức mua chỉ bằng 60 - 70% so với tháng trước, chị Mai - nhân viên kinh doanh sắt thép tại 226 đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) cho biết.
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra kho tập kết sắt xây dựng trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Hoài Nam
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra kho tập kết sắt xây dựng trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Hoài Nam
Mặc dù giá sắt, thép đã hạ nhưng việc Quyết định 2968/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc áp thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam chính thức có hiệu lực đang dấy lên mối lo hiện tượng đầu cơ có thể quay trở lại. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa nêu rõ: Hiện DN sản xuất thép Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguồn phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên trên thị trường thế giới mặt hàng này đang giảm giá. Cụ thể vào trung tuần tháng 7/2016, giá chào phôi thép Trung Quốc dao động ở mức khoảng 315 - 330 USD/tấn, giảm khoảng 30 - 40 USD/tấn so với tháng trước. Ngoài ra, sức tiêu thụ của thị trường trong nước đang yếu sẽ khiến giá thép khó có thể tăng. Cụ thể, tháng 4/2016 tiêu thụ thép xây dựng đạt 737.000 tấn, tháng 5 là 593.000 tấn, đến tháng 6/2016 chỉ còn khoảng 460.000 tấn.

Nhiều DN chuyên kinh doanh sắt, thép cũng cho biết, tháng 8/2016 bắt đầu vào mùa mưa bão lại trùng với tháng 7 âm lịch nên số lượng các công trình khởi công mới sẽ không nhiều. “Có thể tháng 7 âm lịch là thời điểm sức tiêu thụ thép chậm nhất trong năm nên khó có thể tăng giá bán” - ông Hoàng Hữu Hùng - Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại tổng hợp Viễn Đông (xã Tân Triều - huyện Thanh Trì) khẳng định.

Doanh nghiệp lãi lớn

Ở khía cạnh khác, với việc chính thức áp thuế tự vệ thương mại với phôi thép và thép dài nhập khẩu được nhận định sẽ khiến DN ngành thép tăng trưởng lợi nhuận đột biến. Điều đó cho thấy việc áp thuế tự vệ đã hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm.

Mới đây trên sàn giao dịch chứng khoán, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) công bố, trong 6 tháng đầu năm sản lượng tiêu thụ thép đạt 785.000 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, Nhờ đó, doanh thu bán hàng đạt 15.400 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch, riêng quý II đạt 8.144 tỷ đồng, lãi ròng đột biến 2.030 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó đưa lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 3.050 tỷ đồng, trong khi mục tiêu lãi ròng năm 2016 chỉ đạt 3.200 tỷ đồng. Nhiều DN ngành thép cũng được hưởng lợi tương tự. Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) tăng trưởng doanh thu 23%, đạt 1.902 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng tới 22 lần, đạt 261 tỷ đồng. Công ty CP Thép Dana Ý (mã DNY) và Thép Nam Kinh ( mã NKG) đều có lợi nhuận sau thuế tăng gấp 5 lần, đạt lần lượt 13,5 tỷ đồng và 237 tỷ đồng…

Trong khi đó, chính sách áp thuế tự vệ sản phẩm phôi thép và thép thành phẩm khiến giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 30%, giúp thép nội có nhiều lợi thế trên thị trường. Đây là sự “hỗ trợ” đáng kể giúp DN sản xuất sắt, thép Việt Nam trong việc giảm bớt khó khăn, đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất. Tuy nhiên, thời gian qua, cũng có nhiều cảnh báo đối với các DN sản xuất trong nước, đó là phải cẩn trọng việc DN Trung Quốc bán thép vào Việt Nam. Sau đó, DN Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này sang EU dùng mẫu khai báo xuất xứ (C/O) từ Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá.