Kinhtedothi - Sáng 25/9, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Dự Luật được đề xuất xem xét và thông qua ngay tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.
Theo Tờ trình của Chính phủ, có 3 nhóm hàng hóa là thuốc lá, bia và rượu cần điều chỉnh tăng thuế suất để hạn chế tiêu dùng. Theo đó, đề xuất tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá từ 1/1/2016 từ 65% lên 70%, lên 75% (từ 1/1/2019); mặt hàng bia tăng từ 50% lên 55% (từ 1/7/2015) và lên 60% (từ 1/1/2017); lên 65% (từ 1/1/2018); Với mặt hàng rượu: Rượu từ 20 độ trở lên tăng từ 50% lên 65%; rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%). Lý giải cho đề xuất tăng thuế suất TTĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Trong khi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá là 44,9%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Với bia, tính riêng năm 2013, lượng bia tiêu thụ là 3 tỷ lít, tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân và là một trong những căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
|
Tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Để tránh gây tác động lớn đến hoạt động sản xuất, thì mức tăng thuế với thuốc lá nên có lộ trình. Trong khi đó, tuy nhấn mạnh "tình trạng buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam hết sức nhức nhối", nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lại đề nghị cân nhắc khi tăng thuế suất: "Mỗi năm thất thoát 6.000 - 6.500 tỷ đồng do buôn lậu thuốc lá. Nếu tăng thuế suất thì vô hình trung đẩy buôn lậu tăng và người hút có khi tăng lên". Đối với mặt hàng bia, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị "lùi" thời điểm thi hành từ 1/1/2016 để các doanh nghiệp trong nước có thời gian ổn định sản xuất.
Nhiều ý kiến của UBTV Quốc hội đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá tính khả thi trong thu thuế TTĐB, làm rõ tác động đến việc làm, thu nhập, sản xuất của doanh nghiệp và người lao động, đồng thời rà soát lại quy định đối với các loại mặt hàng cho phù hợp với các cam kết hội nhập.
Các ĐB tán thành với kiến nghị của Chính phủ về bỏ một số chế phẩm phục vụ pha chế xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB; bổ sung việc áp dụng mức thuế ưu đãi hơn đối với sản phẩm xăng sinh học, máy bay phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng...
Chiều 25/9, cho ý kiến về Dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động, các thành viên UBTV Quốc hội tán thành với việc mở rộng đối tượng áp dụng của Luật tới tất cả lao động, vì có khoảng 67% lao động đang làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, dự án Luật cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người lao động ở khu vực này áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động khi làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao hoặc lĩnh vực có ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của cộng đồng...