Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tiền phạt với 40 hành vi vi phạm lĩnh vực văn hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (11/7), HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về “Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa”, với 85/85 đại biểu có mặt tán thành. Nghị quyết (NQ) này nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 2, điều 20, Luật Thủ đô.

Do đặc thù của Thủ đô, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, UBND TP lựa chọn và đề xuất vào NQ 40 hành vi. NQ về “Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa” gồm 3 chương, 19 điều. Phạm vi áp dụng về mặt không gian là chỉ thực hiện trong khu vực nội thành Hà Nội gồm các quận của Thành phố, không áp dụng đối với các huyện, thị xã thuộc Thành phố.

Trên cơ sở cân nhắc kỹ về tính chất phổ biến của hành vi vi phạm trong nội thành Hà Nội; hành vi có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận, mức độ về hệ quả tác động của hành vi đến truyền thống văn hóa, nếp sống văn minh, việc định hình lối sống, tính cách của người dân và việc bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa của Thủ đô, mức tiền phạt hiện hành theo NĐ số 158/2013/NĐ-CP còn thấp, chưa đảm bảo được tính răn đe, các nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa được lựa chọn để nâng mức tiền phạt vi gồm: Nhóm hành vi vi phạm quy định về sản xuất, nhân bản phim; sản xuất, nhân bản, tàng trữ, phổ biến bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; nếp sống văn hóa; điều kiện tổ chức hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; giấy phép trong tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; sản xuất, lưu hành băng, đĩa, trò chơi điện tử; nhóm hành vi vi phạm quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; bảo vệ công trình văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa; khai quật, khảo cổ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã xin ý kiến và được Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trả lời bằng văn bản về nội dung liên quan đến quy định nâng mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa theo phân công tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 25/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Luật Thủ đô. Về cơ bản, Bộ Tư pháp và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đều thống nhất về sự cần thiết và thẩm quyền ban hành NQ của HĐND TP. 
Về mức tiền phạt, Luật Thủ đô quy định “HĐND TP Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa”, UBND TP trình HĐND quy định nâng mức xử phạt bằng 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định. Đề xuất này dựa trên các căn cứ cụ thể như: Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc, tác động xấu đến hiệu quả quản lý nhà nước, là một trong những nguyên nhân làm pháp luật mất tính nghiêm minh; những hành vi đề xuất nâng mức tiền xử phạt được cơ quan quản lý chuyên ngành cân nhắc lựa chọn từ thực tiễn quản lý xử lý trong thời gian vừa qua khi áp dụng những quy định từ Nghị định của Chính phủ về áp dụng hình thức xử phạt tiền trong xử lý vi phạm hành chính; từ vị trí, vai trò đặc biệt của Thủ đô; việc tăng mức tiền phạt cao gấp 2 lần so với mức tiền phạt theo quy định của Chính phủ chỉ áp dụng đối với những người thực hiện một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa chứ không phải là áp dụng đại trà đối với tất cả các hành vi vi phạm theo quy định của Chính phủ. Việc nâng mức xử phạt đối với một số hành vi này chỉ tăng cường tính răn đe và ngăn chặn với một số đối tượng vi phạm, đảm bảo môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh cho Thủ đô chứ không ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân tại các quận nội thành Hà Nội.
Tại kỳ họp thứ 10 của HĐND TP Hà Nội khóa XIV, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết trình HĐND TP xem xét, thông qua Nghị quyết “Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa” theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Thủ Đô và nhấn mạnh thêm, Hà Nội là Thủ đô, không chỉ là trung tâm hành chính-chính trị quốc gia mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục của cả nước, là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương Đảng, nhà nước và các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, vì vậy việc giữ gìn, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và Nhân dân Thủ đô.

Thực tiễn cho thấy mức độ vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa ở các quận nội thành trong thời gian qua, nhất là đối với một số nhóm hành vi (như: Vi phạm quy định về nếp sống văn hóa; điều kiện tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa; bảo vệ công trình văn hóa...) tiếp tục gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, nếp sống văn minh đô thị, cần thiết phải có sự điều chỉnh tăng mức phạt tiền để đảm bảo tính răn đe, đảm bảo xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả và trật tự quản lý nhà nước ở Thủ đô - nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước.

Trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính, Quốc hội đã ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, có các Nghị định quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực trong đó tinh thần chung đã nâng mức xử phạt một số lĩnh vực lên trong toàn quốc. Song để giải quyết những bức xúc trong tình hình đặc thù quản lý phát triển Thủ đô, nhận thấy hành vi vi phạm hành chính tại Thủ đô sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn (cùng hành vi, tính chất như nhau nhưng hậu quả gây ra cho xã hội ở Thủ đô nghiêm trọng, khó khắc phục hơn các nơi khác rất nhiều) vì Thủ đô là trung tâm văn hóa của cả nước. Do vậy, cần thiết phải tăng mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa để đảm bảo tính răn đe, bảo đảm môi trường văn hóa lành mạnh cho Thủ đô của cả nước.

Ban Pháp chế kiến nghị, HĐND thông qua Nghị quyết “Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa” như UBND TP trình, trong đó nâng mức tiền phạt gấp 2 lần đối với 40 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào chương III phần tổ chức thực hiện một nội dung: Tại Điều 17: Trách nhiệm của UBND TP, đề nghị bổ sung một khoản “Tổ chức tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô để thực hiện nghiêm Nghị quyết của HĐND TP”. Tại Điều 18, điều khoản chuyển tiếp đề nghị chia thành 2 khoản: Đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa xảy ra trước ngày NQ này có  hiệu lực mà đã bị lập biên bản, đang trong quá trình xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định của NĐ số 158.2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cho cá nhân, tổ chức. Đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa xảy ra trước ngày NQ này có hiệu lực sau đó mới bị phát hiện thì áp dụng theo NQ này.

Ban pháp chế cũng đề nghị UBND TP Hà Nội giải trình bằng văn bản ý kiến của Ban Văn hóa-xã hội HĐND TP đối với việc đề nghị cân nhắc, bổ sung thêm 20 hành vi vào dự thảo Nghị quyết để HĐND TP xem xét, quyết định.

Trong quá trình triển khai, thực hiện NQ, nếu có sự thay đổi về các quy định của pháp luật, sự thay đổi về đời sống văn hóa, và các điều kiện kinh tế-xã hội, khi cần thiết, NQ của HĐND TP có thể được sửa đổi, bổ sung thêm các hành vi khác cho phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô.  Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

Cũng trong sáng nay (11/7), HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc Ông Hoàng Thanh Vân
(đại biểu Tổ Ba Vì) thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND Thành phố khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016.
Trước đây, theo quy định tại Nghị định (NĐ) số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ, hoạt động văn hóa bao gồm cả hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, NĐ số 158/2013/NĐ-CP thay thế NĐ số 75/2010/NĐ-CP đã tách lĩnh vực quảng cáo ra khỏi lĩnh vực văn hóa, do vậy một số hành vi hiện nay mặc dù đang gây bức xúc dư luận trên địa bàn Thủ đô như treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng; quảng cáo làm hảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội... nhưng lại không được lựa chọn để quy định vào dự thảo NQ, vì các hành vi này hiện thuộc lĩnh vực quảng cáo mà không thuộc lĩnh vực văn hóa theo quy định tại NĐ số 158/2013/NĐ-CP.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, hoạt động quảng cáo được điều chỉnh theo Luật Quảng cáo, Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng tách quảng cáo thành một lĩnh vực riêng. Bên cạnh đó, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo quy định tại NĐ số 158/2013/NĐ-CP thực tế đã cao hơn nhiều so với NĐ số 75/2010/NĐ-CP. (Ví dụ: Khoản 3 Điều 66 NĐ số 158/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một số các hành vi treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng; treo, dựng, đặt,gắn biển hiệu làm mất mỹ quan. Trong khi đó NĐ 75/2010/NĐ-CP không quy định về xử phạt đối với các hành vi như treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoạt hiểm,cứu hỏa; treo,dựng,đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng; Đối với hành vi treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu làm mất mỹ quan đô thị thì NĐ số 75/2010/NĐ-CP chỉ xử phạt với mức tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng).