Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tính kết nối giữa đào tạo với tuyển dụng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Triển khai Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), trong hai năm qua, huyện Từ Liêm đã đào tạo cho hơn 1.000 người với nhiều ngành nghề đa dạng, giúp người dân nâng cao thu nhập. Mặc dù vậy, quá trình triển khai dạy nghề trên địa bàn huyện vẫn còn khá nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

 Có nghề, tăng thu nhập

Tháng 9/2011, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Sơn, một hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp ở thôn Đông Ba, xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm được tham gia khóa đào tạo kỹ thuật chế biến món ăn kéo dài 3 tháng do Ban Chỉ đạo 1956 huyện tổ chức. Sau khóa học, tháng 2/2012, vợ chồng anh Sơn được Công ty Vinaphone (216 Trần Duy Hưng) ký hợp đồng cung cấp 300 - 400 suất ăn/ngày cho nhân viên công ty. "Có việc làm, đời sống của gia đình tôi được nâng lên rõ rệt. Trừ chi phí, thu nhập của vợ chồng tôi được khoảng 15 triệu đồng/tháng" - anh Sơn phấn khởi.

Tăng tính kết nối giữa đào tạo với tuyển dụng - Ảnh 1

Học nghề may tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Ảnh: Quang Thiện

Ngoài anh Sơn, trên địa bàn xã Thượng Cát còn có 10 học viên khác đã mở cửa hàng ăn uống tại huyện. Ông Vũ Văn Tân, Phó Trưởng Ban chỉ đạo 1956 xã Thượng Cát cho biết, trong hai năm qua, xã đã tổ chức được 4 lớp đào tạo nghề cho 153 LĐNT với các nghề: Kỹ thuật chế biến món ăn, tin học... Sau đào tạo, nhiều lao động tìm được việc làm ổn định.

Tương tự, các xã khác trên địa bàn Từ Liêm cũng đã tổ chức đào tạo nghề cho nhiều LĐNT như Đông Ngạc (108 lao động), Đại Mỗ (156 lao động)... Từ năm 2011 đến nay, huyện đã tổ chức được 34 lớp đào tạo nghề cho 1.164 LĐNT. Tỷ lệ lao động được tạo việc làm sau đào tạo nghề nông nghiệp đạt 81%. Thu nhập bình quân đạt 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Trong giai đoạn 2013 - 2015, huyện Từ Liêm đặt ra chỉ tiêu đào tạo nghề cho 3.500 LĐNT, tập trung vào các nghề như: Trồng và chăm sóc cây cảnh, rau an toàn, hoa, cây ăn quả, kỹ thuật chế biến món ăn, trang điểm, lái xe, điện công nghiệp...

Mặc dù đã đạt được kết quả trên, song việc triển khai chương trình đào tạo nghề cho LĐNT ở huyện Từ Liêm vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một bộ phận LĐNT chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc học nghề nên chưa tích cực tham gia. Theo khảo sát về nhu cầu học nghề của LĐNT tại 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, chỉ có 2.508 người có nhu cầu học nghề. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện lên tới trên 5.000 lao động/năm.

Cùng với đó, thời gian đào tạo nghề  ngắn nên chất lượng đào tạo một số nghề chưa đảm bảo, học viên khó tìm được việc làm, nhất là các nghề cơ khí, tin học. Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Từ Liêm, hồ sơ học nghề còn khá phức tạp, yêu cầu phải có photo công chứng hộ khẩu của người học trong khi đơn xin học nghề đã có xác nhận của chính quyền xã. Do đó, cần đơn giản hóa thủ tục học nghề để khuyến khích LĐNT. Đồng thời, nới rộng độ tuổi học nghề đối với một số nghề đơn giản như trồng cây cảnh, rau an toàn và có chính sách hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho LĐNT sau đào tạo.

Ông Nguyễn Văn Hợi, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Từ Liêm cho biết, để từng bước tháo gỡ những khó khăn trên, huyện đã chỉ đạo rà soát, lựa chọn mô hình đào tạo nghề cho LĐNT phù hợp với thực tế ở từng xã. Trong đó, nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, nhất là trong công tác tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề. Đặc biệt, tổ chức kết nối giữa các trường và doanh nghiệp để đẩy mạnh đào tạo nghề theo địa chỉ, tạo việc làm cho LĐNT.