[Tăng tính minh bạch cho thị trường chứng khoán] Bài 1: Khi nào thao túng giá cổ phiếu được kiểm soát?

TS Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với nghẽn lệnh giao dịch trên sàn HoSE là tình trạng thao túng giá cổ phiếu trên cả 3 sàn giao dịch chứng khoán ngày càng phổ biến không chỉ bào mòn niềm tin của nhà đầu tư mà rất nguy hiểm, thị trường chứng khoán (TTCK) luôn thường trực nguy cơ rủi ro cao. Giải pháp nào tăng tính minh bạch, chuyên nghiệp đã và đang được đặt ra để TTCK thực sự là kênh huy động vốn hiệu quả.

Cổ phiếu tăng giá khủng trên nền tảng tín hiệu công ty hoạt động kinh doanh triển vọng hơn là câu chuyện bình thường trên TTCK. Tuy nhiên, điểm danh sách mã cổ phiếu tăng giá mạnh trong các năm qua thì nhiều mã cổ phiếu hoàn toàn không xuất hiện yếu tố hỗ trợ.
 Khi nào thao túng giá cổ phiếu được kiểm soát? Ảnh minh họa
Giá tăng mạnh mà không có yếu tố hỗ trợ

Cổ phiếu DAT của CTCP Đầu tư và Du lịch và phát triển thủy sản (Trisedco) niêm yết trên sàn HoSE là một ví dụ. Từ 19/6/2020 đến 11/8/2020 DAT tăng giá kịch trần liên tục 39 phiên nhảy từ 6.820 đồng lên mức 86.100 đồng, gấp hơn 12,6 lần, đẩy P/E lên mức 76,26 lần. Thế nhưng trong 39 phiên thổi giá có 15 phiên khối lượng khớp lệnh chỉ 10 cổ phiếu và 7 phiên từ 20 - 80 cổ phiếu. Nhìn vào báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán của Trisedco cho thấy so với năm 2019 các chỉ tiêu tài chính hỗ trợ như doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đều giảm, trong khi hàng tồn kho tăng từ 63 tỷ lên 107 tỷ đồng, phải thu khách hàng tăng từ 319 tỷ lên 346 tỷ đồng (31,5% tài sản ngắn hạn). Đặc biệt nợ vay ngắn hạn hơn 800 tỷ đồng, chiếm 73% tài sản ngắn hạn.

Một mã cổ phiếu khác cũng trên sàn HoSE là RIC của CTCP Quốc tế Hoàng gia. Từ phiên ngày 8/1/2021 về trước nhiều năm RIC vẫn thuộc nhóm cổ phiếu “trà đá” nhưng từ 11/1 - 4/3 tăng giá kịch trần liên tục 33 phiên, nhảy giá từ 4.700 đồng lên 46.150 đồng tức tăng hơn 9,8 lần trong thời gian 52 ngày. Điều hết sức phi lý là công ty này nhiều năm liền kinh doanh lỗ hoặc lãi không đáng kể, năm 2019 lỗ 72,8 tỷ đồng và năm 2020 lỗ 81,5 tỷ đồng, số lỗ lũy kế đến 31/12/2020 là 309,8 tỷ đồng. Sau khi thổi lên mức giá 46.150 đồng bong bóng RIC xì hết cỡ 15 phiên liên tục, chỉ còn 15.750 đồng phiên ngày 25/3. Tuy nhiên, dự đoán mã cổ phiếu này có thể quay lại đợt thổi giá mới vì 5 phiên liên tục từ 26 - 1/4 vừa qua lại tăng giá kịch trần và áp kịch trần. Có thể nói RIC là một trong những mã cổ phiếu bị thao túng giá phát lộ rất rõ.

Dẫn thêm một trường hợp khác tại sàn HoSE là cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC. Trong 8 phiên liên tục vừa qua (19 – 30/3) có 7 phiên giá tăng kịch trần và áp kịch trần, chỉ 1 phiên tăng 5,74% đã thổi giá từ 7.500 đồng lên 12.600 đồng, nếu tính từ đầu năm giá tăng xấp xỉ 2,8 lần. Nhìn vào báo cáo tài chính năm 2020 cũng như tiềm năng phát triển của Tập đoàn FLC không le lói một tín hiệu nào để đẩy giá cổ phiếu FLC tăng kịch trần liên tục nhiều phiên như vậy. Ngược lại hoạt động kinh doanh của công ty sa sút so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế giảm 47%. Thông tin từ Tập đoàn FLC cho biết dự kiến doanh thu năm 2021 là 15.000 tỷ đồng tương đương năm 2019, tăng vốn cổ phần 5.000 tỷ đồng, chia cổ tức 10%. Những thông tin đó có gì đáng hấp dẫn tạo đà cho giá cổ phiếu FLC tăng? Rõ ràng việc tăng giá của cổ phiếu DAT, RIC hay FLC và còn rất nhiều mã cổ phiếu khác là do hoạt động thao túng giá.

Tại sao thao túng giá cổ phiếu chưa kiểm soát được?

Kiểm soát thao túng giá cổ phiếu trên TTCK liên quan đến nhiều yếu tố nhưng tóm lại là năng lực kiểm soát, bao gồm năng lực pháp lý và năng lực quản lý. Năng lực pháp lý thể hiện thông qua mức độ nghiêm minh của pháp luật trong xử phạt hành vi thao túng giá chứng khoán. Pháp luật Việt Nam cũng theo thông lệ quốc tế áp dụng đồng thời 2 loại hình phạt là xử phạt vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hình sự. Luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự năm 2015 vào năm 2017 quy định phạt tù về tội thao túng TTCK từ mức 6 tháng đến 7 năm là khá nặng. Tuy nhiên cho đến nay số trường hợp nghi ngờ có hành vi thao túng giá cổ phiếu được chuyển cho cơ quan điều tra công an điều tra truy tố là quá ít.

Trong 10 năm qua (2011 - 2020) chỉ có 3 trường hợp chuyển thành vụ án hình sự về thao túng giá cổ phiếu vào năm 2011 điều tra 1 vụ (cổ phiếu DVD), năm 2017 điều tra 1 vụ (cổ phiếu CDO) và năm 2019 cũng điều tra truy tố 1 vụ (cổ phiếu KSA). Điều đáng nói là để vi phạm thao túng giá cổ phiếu chuyển sang vụ án hình sự cơ quan điều tra phải chứng minh được cá nhân/tổ chức vi phạm đã thu lợi bất chính tối thiểu 500 triệu đồng và gây thiệt hại cho nhà đầu tư tối thiểu 1 tỷ động. Thực tế không ít trường hợp thao túng giá cổ phiếu không để thu lợi trực tiếp mà thu lợi gián tiếp. Trong khi việc chứng minh mức độ thiệt hại của nhà đầu tư là câu chuyện phức tạp vì nó là vấn đề “tế nhị” nhà đầu tư dễ gì khai ra.

Nếu như trường hợp thao túng giá cổ phiếu bị xử lý hình sự chưa đủ đếm trên đầu ngón tay thì số trường hợp vi phạm này bị xử lý phạt hành chính cũng không đáng kể so với số trường hợp bị xử phạt vi phạm về chứng khoán (CK) và TTCK. Chẳng hạn năm 2017 trong 349 quyết định xử phạt chỉ có 5 trường hợp bị phát hiện là thao túng giá cổ phiếu. Năm 2020 là năm sôi động của TTCK Việt Nam và cũng là năm qua quan sát cho thấy vấn nạn thao túng giá cổ phiếu trỗi dậy chưa từng thấy nhưng cơ quan giám sát thị trường cũng chỉ phát hiện được 6 trường hợp thao túng giá. Mức xử phạt vi phạm hành chính về thao túng giá theo Nghị định 108/2013/NĐ-CP và Nghị định 145/2016/NĐ-CP (hiệu lực đến 31/12/2020) được cho là liều lượng chưa đủ mức răn đe vi phạm. Điều đáng lưu ý, đây không phải là lý do cản trở hoạt động của cơ quan quản lý và giám sát TTCK thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước .

Từ ngày 1/1/2021 mức xử phạt vi phạm hành chính về CK và TTCK nói chung và thao túng giá CK nói riêng được thực hiện theo Nghị định 156/2020/NĐ-CP. Theo đó, mức xử phạt về thao túng giá cổ phiếu bằng 10 lần số tiền thu lợi đối với tổ chức và 5 lần đối với cá nhân, mức phạt thấp nhất là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Đây là cây gậy nặng ký được trao cho nhà quản lý và cơ quan giám sát TTCK mà họ đã chờ đợi mấy năm nay. Vấn đề là liệu những cá nhân và tổ chức đang nuôi mộng làm giàu hay đạt mục tiêu nào đó của mình thông qua hoạt động thao túng giá cổ phiếu có “chùn tay”. Điều này sẽ chứng minh năng lực quản lý, giám sát TTCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Dĩ nhiên phòng và cản vi phạm là hơn phạt vi phạm về thao túng giá cổ phiếu. Cơ quan và cán bộ quản lý không thể giải thích một cách tiêu cực rằng, cổ phiếu tăng giá kịch trần liên tục hàng chục phiên là do cung cầu của thị trường được. Vậy hỏi cung cầu thị trường đó thật hay giả và ai tạo ra? Không thể để cổ phiếu tăng giá kịch trần liên tục đến phiên thứ 3 mà không bắt buộc công ty giải trình sự hợp lý của nó. Không thể không bắt buộc công ty phải cảnh báo cho nhà đầu tư khi giá cổ phiếu của họ tăng nóng ngược chiều với thực tế hoạt động kinh doanh. Nghị định 156/2020/NĐ-CP không quy định xử phạt đối với công ty có cổ phiếu đang bị thao túng giá là sự không công bằng. Nên nhớ, thực tế không ít vụ thao túng giá cổ phiếu có sự thông đồng, thậm chí có chủ đích của lãnh đạo hoặc cổ đông lớn của công ty.

(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần