Đó là nhận định của lãnh đạo nhiều địa phương sau khi quy định mới về phân cấp quản lý Nhà nước (QLNN) đối với một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội (KT-XH)trên địa bàn được HĐND TP thông qua. Khắc phục những hạn chế Hà Nội đã triển khai phân cấp một số nhiệm vụ QLNN giữa chính quyền cấp TP và cấp huyện nhiều năm qua. Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ: Đánh giá lại kết quả thực hiện phân cấp QLNN ở một số lĩnh vực KT-XH trên địa bàn TP giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy, các quy định phân cấp cũ đã tạo sự chủ động cho UBND cấp quận, huyện trong việc giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề dân sinh, xã hội trên địa bàn, giảm tải cho công việc cấp TP. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý trong giai đoạn này cũng bộc lộ một số hạn chế như thời điểm và mức độ phân cấp quản lý một số lĩnh vực có liên quan như quản lý quy hoạch, quản lý chỉ giới, thu hồi đất, giao đất... chưa đồng bộ với phân cấp quản lý KT-XH nên đã làm giảm hiệu quả của phân cấp quản lý KT-XH…
Trong các cuộc giám sát trước đây của HĐND TP về vấn đề này, nhiều địa phương cũng đề xuất: Theo quy định, các vườn hoa, công viên thuộc các tuyến đường có tên do TP quản lý; quận, huyện quản lý các vườn hoa, công viên trong các khu dân cư… nhưng nhiều quận, huyện cho rằng vẫn có thể quản lý, duy tu được các vườn hoa trên địa bàn và mong muốn được phân cấp. Đồng thời, nhiều quận cũng đề xuất TP phân cấp toàn diện cho quận quản lý hệ thống thoát nước, quét hút, phun rửa VSMT, quản lý cây xanh, vỉa hè, chiếu sáng trên địa bàn; khẳng định có đủ khả năng đảm nhận và sẽ làm tốt hơn, tốn ít kinh phí duy tu bảo trì hơn. Với những địa bàn nhiều tiềm lực, thì rất mong muốn được giao làm chủ đầu tư xây dựng thêm một số tuyến đường bằng nguồn vốn cân đối của địa phương để có thể đẩy nhanh được tiến độ khớp nối hạ tầng, phục vụ nhu cầu dân sinh… Từ nhu cầu thực tế đó, đồng thời Quyết định phân cấp quản lý số 11 năm 2011 và số 12 năm 2014 của UBND TP cho đến năm 2015 cũng hết hiệu lực thi hành. Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 có một số điều khoản khuyến khích và cho phép việc phân cấp các nhiệm vụ QLNN từ chính quyền cấp tỉnh cho chính quyền cấp huyện (quận, huyện, thị xã) và HĐND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quyết định phân cấp. Theo ông Tứ, đó cũng là những lý do để TP đề xuất quy định phân cấp cho giai đoạn mới. Địa phương được “quyết” nhiều hơn
Việc phân cấp quản lý giai đoạn mới của TP được thực hiện trong 16 lĩnh vực gồm: Đường bộ; chiếu sáng công cộng; công viên, vườn hoa cây xanh; thoát nước đô thị; xử lý nước thải; VSMT; bến bãi đỗ xe, vận tải hành khách; cấp nước sạch; thủy lợi; đê điều; lâm nghiệp; thông tin truyền thông; GD&ĐT, dạy nghề; VH-TT, du lịch; y tế và nghĩa trang, tang lễ. Theo ông Tứ, để bảo đảm sự rõ ràng, cụ thể, dễ thực hiện khi triển khai thực hiện phân cấp trong từng lĩnh vực, đặc biệt đối với cấp huyện, việc phân cấp mới đã chia rõ ràng thành 3 loại hình quản lý khác nhau: Đầu tư, quản lý sau đầu tư, quản lý các nội dung khác có liên quan. "TP chỉ phân cấp đến cấp huyện. Nếu thấy cần thiết và được TP cho phép, căn cứ nội dung được TP phân cấp, cấp huyện có thể tiếp tục phân cấp cho cấp xã quản lý từng lĩnh vực và nội dung công việc trên địa bàn, bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng cụ thể mỗi địa phương, phù hợp với thẩm quyền, trách nhiệm cấp xã theo quy định của Nhà nước" - ông Tứ cho biết. Trên nguyên tắc cấp nào làm tốt hơn, kịp thời phục vụ Nhân dân thì giao cấp đó thực hiện; bảo đảm công khai, minh bạch, theo quy định phân cấp quản lý trong giai đoạn mới này của TP, các địa phương được “quyết” nhiều vấn đề hơn. Như về quản lý hè đường, TP không quản hè, mà giao cấp huyện quản lý toàn bộ hè trên địa bàn. Trong quản lý chiếu sáng, TP quản lý toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn 12 quận, các thị trấn thuộc các huyện, các phường thuộc thị xã Sơn Tây. Đã bổ sung thêm nội dung phân cấp giữa TP và các huyện trong quản lý hạ tầng (lòng đường, hè phố, chiếu sáng công cộng, thoát nước, cây xanh) trong các khu đô thị trên địa bàn TP sau khi chủ đầu tư bàn giao về TP. TP chỉ quản lý, duy trì VSMT trên các đường cao tốc, còn lại giao cấp huyện quản lý, duy trì VSMT trong toàn bộ phạm vi địa giới hành chính. Cấp huyện (trừ 4 quận nội đô) được phân cấp quản lý một số bãi đỗ xe tập trung gắn với các tuyến đường do cấp huyện quản lý đầu tư… Đánh giá về quy định phân cấp mới này, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân cấp góp phần tăng cường tính tự chủ cho địa phương; phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của mỗi nơi, đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời trong tổ chức thực hiện và tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành với ngành và giữa ngành với cấp trong quản lý theo ngành, lĩnh vực và quản lý theo địa bàn, đặc biệt là lĩnh vực hạ tầng, nên việc phân cấp này chắc chắn đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác đảm bảo trật tự đô thị trên phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Trình Vũ |
Về khung thời gian quy định phân cấp mới có hiệu lực, rút kinh nghiệm của 2 kỳ phân cấp trước đây, trong quá trình thực hiện, TP vẫn “mềm dẻo” theo nguyên tắc ủy quyền, tức bất cứ khi nào cần có sự phân cấp mới thì hoàn toàn có thể thay thế được. |