Không khó để nhận thấy sự tăng tốc trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Tính cả giai đoạn 2011-2013, cả nước mới sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp. Nhưng kế hoạch 2014-2015 đã đề ra mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp. Kết quả, đến nay đã cổ phần hóa được 100 doanh nghiệp (cả năm 2013 chỉ cổ phần hóa được 74 doanh nghiệp), 153 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị. Dự kiến cả năm sẽ cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp, tức gấp 3 lần cả năm 2013; đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu của 108/108 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Tốc độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng rất ấn tượng, đạt con số 3.500 tỷ đồng qua 9 tháng, gấp 3,6 lần cả năm 2013. Như vậy, rõ ràng tốc độ cổ phần hóa đã tăng vọt. Cùng với đó, cổ phần hóa đã mang lại kết quả rõ rệt. Tổng hợp số liệu báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy sau 1 năm cổ phần hóa, vốn điều lệ tăng bình quân 68%, doanh thu tăng 34%, lợi nhuận sau thuế tăng 99,9%, nộp ngân sách tăng 47%, thu nhập bình quân đầu người tăng 76,9%. Một ví dụ cụ thể đã được nhắc đến tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, khi Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương quyết liệt triển khai công tác này. Đó là Tổng công ty Hóa chất Đức Giang (thuộc tập đoàn Nhà nước), sau khi cổ phần hóa (Nhà nước chỉ còn giữ 20% cổ phần), từ một doanh nghiệp yếu kém, đến nay, Tổng công ty này đã phát triển mạnh, tự đầu tư thêm 6 nhà máy hóa chất, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Như vậy, cổ phần hóa đã tạo ra những doanh nghiệp hiệu quả hơn, nhưng không chỉ có vậy… Không gian rộng hơn cho doanh nghiệp tư nhân Nếu đặt cổ phần hóa DNNN trong một bối cảnh rộng hơn, sẽ thấy rõ ràng chủ trương này có ý nghĩa trong phạm vi lớn hơn nhiều. Trước hết, đó là việc xác định các ngành, lĩnh vực mà DNNN tham gia hoạt động. Đề án Tái cơ cấu DNNN đã xác định DNNN chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh. Đến tháng 6 vừa qua, đối tượng cổ phần hóa tiếp tục được mở rộng với Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng đồng nghĩa với việc giảm các lĩnh vực mà DNNN tham gia và giảm phần tham gia của DNNN trong các lĩnh vực còn lại. Cụ thể, giảm từ 19 ngành, lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ xuống 16 ngành, lĩnh vực; quy định rõ 7 ngành, lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ 75% cổ phần trở lên; 8 ngành, lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ 65%-75% cổ phần; 9 ngành, lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ 50%-65% cổ phần. Hầu hết công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước quan trọng đều thuộc đối tượng xem xét cổ phần hóa. Và xu hướng này sẽ được tiếp tục trong thời gian tới. Trong giai đoạn 2016-2020, định hướng là Nhà nước sẽ chỉ giữ cổ phần chi phối (trên 50%) ở những lĩnh vực then chốt, đặc biệt quan trọng, số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sẽ tiếp tục giảm mạnh. Cùng với việc giảm mạnh “phần” của DNNN, một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ suốt từ đầu năm 2014 đến nay là cải thiện môi trường kinh doanh, mà ai cũng dễ thấy, người thụ hưởng chủ yếu là khu vực ngoài Nhà nước. Đây chính là việc hiện thực hóa thông điệp quan trọng trong bài viết đầu năm mới 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đó là mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường, phải “xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực”. Một sự kiện mang tính biểu tượng, mà báo chí đánh giá là “lịch sử”, khi hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng đã có cuộc đối thoại thẳng thắn với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó khu vực tư nhân chiếm tỷ lệ áp đảo. Ngay trong tái cơ cấu đầu tư công, một trong những chủ trương được Chính phủ xác định là “mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân”. Hiến pháp mới đã xác định rõ quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đang đi theo hướng đó. Pháp luật không phân biệt, nhưng rõ ràng khu vực tư nhân là những người mong đợi nhất các quy định về tự do kinh doanh. Trong khi đó, với các quan điểm như đã nói ở trên, có thể nói Nhà nước - chủ sở hữu -đã tự giới hạn quyền tự do kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh của các DNNN. Tức là trong một chừng mực nào đó, có thể nói khu vực tư nhân được tự do kinh doanh hơn DNNN. Sự phân biệt đối xử thường bị phê phán và việc phê phán đó là cần thiết, nhưng trường hợp phân biệt đối xử nói trên lại đáng hoan nghênh. Bởi nó không chỉ giúp các DNNN hoạt động hiệu quả hơn mà còn bảo đảm thuận lợi tối đa cho khu vực tư nhân, từ đó phát huy có hiệu quả nhất những nguồn lực của đất nước. Định vị lại vai trò của DNNN trong mối quan hệ với khu vực tư nhân, và rộng hơn nữa là vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ với xã hội, đó là căn nguyên sâu xa và là động lực bền vững của cổ phần hóa.