Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo khoa học nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức ngày 29/12.
Còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết, ngày 22/2/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hội thảo nhằm đánh giá quá trình 10 năm thực hiện chiến lược; làm rõ thực trạng phát triển trên nhiều mặt của Thủ đô, đồng thời xem xét những vấn đề cần tập trung giải quyết để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, cũng như góp phần lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Trình bày báo cáo khái quát kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, TS Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm của Hà Nội trong thời kỳ 2011 - 2020 cao gấp 1,12 lần so với bình quân cả nước, nhưng thấp so với mặt bằng chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và khá khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra là 12 - 13%/năm.
Hà Nội luôn là thành phố đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố xét về quy mô kinh tế, chiếm khoảng 12,5 - 12,6% tổng GDP cả nước. Nhưng trong vùng Đồng bằng sông Hồng, quy mô GRDP đã giảm từ 48% năm 2010, xuống 46,9% năm 2015 và 43,1% năm 2020, do sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều địa phương trong vùng.
Về thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, Hà Nội đã triển khai có kết quả nhiều hoạt động đầu tư tôn tạo di tích, tổ chức các lễ hội, xây dựng thiết chế văn hóa, phát động phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư.
Thành phố là trung tâm giáo dục và đào tạo nhân lực lớn của cả nước, đào tạo ra những nguồn nhân lực có chất lượng cho cả nước cũng như vùng Đồng bằng sông Hồng. Hà Nội cũng là trung tâm y tế lớn của cả nước, tập trung đông đảo các cơ sở y tế đa khoa và chuyên khoa chất lượng hàng đầu Việt Nam. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện, đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách mở rộng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế như về kinh tế, tăng trưởng kinh tế còn chậm; GRDP/người không đạt chỉ tiêu đặt ra. Chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ngàn dịch vụ tăng trưởng còn chậm. Phát triển công nghiệp chưa tập trung, chưa tạo đột phá. Tương tự, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa như kỳ vọng. Môi trường đầu tư của thành phố chưa tạo ra những điểm vượt trội.
Về phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng và môi trường, công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị chưa hiệu quả. Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng tập trung khu vực nội đô, chất lượng đô thị hóa chưa cao. Hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt khu vực nội đô. Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng ùn tắc giao thông. Công tác thu gom, xử lý chất thải chưa hiện đại, chưa đáp ứng yêu cầu về tiết giảm, tái sử dụng và tái chế. Ô nhiễm môi trường, đặc biệt không khí và các dòng sông nội đô, úng ngập cục bộ.
Đẩy mạnh đổi mới tư duy phát triển
Tại hội thảo các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đã có những đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội trong giai đoạn vừa qua, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Đồng thời đề xuất các giải pháp có tính khả thi nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy lợi thế, giúp TP hoàn thành các mục tiêu chiến lược đã đề ra trong thời gian tới.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, tốc độ tăng trưởng của Hà Nội cao gấp 1,12 lần so với cả nước là mức tăng trưởng điển hình, tuy nhiên còn chưa tương xứng với nguồn lực, năng lực và tiềm năng của Thủ đô.
“Hà Nội có nguồn lực nhưng còn thiếu động lực tăng trưởng mới; thiếu các điều kiện bảo đảm trở thành nơi hội tụ quốc gia, là trung tâm hội nhập. Ngoài ra, hai yếu tố phát huy lợi thế của Hà Nội đều vắng bóng trong giai đoạn vừa qua là tư duy phát triển và các điều kiện, công cụ phát huy nguồn lực” - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu.
Đồng tình với quan điểm trên, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là khu vực kinh tế dịch vụ vẫn chưa phát huy vai trò chủ lực. 10 năm qua, tỷ trọng vốn đầu tư ở Hà Nội so với cả nước không tăng mà có xu hướng giảm. Ngoài cạnh tranh với quốc tế, Hà Nội đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ ngay từ chính các tỉnh xung quanh với sự phát triển năng động. Trong phát triển văn hoá, Hà Nội đang thiếu các thể chế để có thể phát triển công nghiệp văn hoá, lĩnh vực được kỳ vọng tạo nguồn lực mới cho phát triển TP.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược cần cách nhìn khách quan, bình tâm và thực tiễn. Theo ông, Hà Nội đã có tốc độ phát triển đặc thù, năng động và “đa sắc”, tuy nhiên TP chưa phát huy được vai trò, vị thế của Thủ đô, đặc biệt trong mối quan hệ với Vùng.
Từ việc phân tích những tồn tại hạn chế, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp có tính khả thi nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy lợi thế, khắc phục tồn tại, hạn chế, hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược đã đề ra trong thời gian tới. Theo GS. TS Hoàng Văn Cường - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, để Hà Nội phát triển đúng với vị thế là Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại cần phải có phương án quy hoạch phù hợp mang tính khả thi, có chiến lược đầu tư đột phá phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ hiện đại và có cơ chế hữu hiệu thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân cùng với Nhà nước để khai thác các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô thành nguồn lực phát triển.
Gợi ý về một số giải pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, PGS.TS Trần Quốc Toản cho rằng, các cấp ủy đảng và chính quyền Hà Nội, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là những người đứng đầu, các đơn vị sản xuất kinh doanh, cần phải đẩy mạnh đổi mới tư duy phát triển. Xác định đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định hàng đầu, phải quyết liệt chuyển từ bề rộng sang phát triển theo chiều sâu dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, khẩn trương tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế. Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, cần có chủ trương, giải pháp và sự chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong quy hoạch phát triển một số lĩnh vực của Hà Nội
Trong nhiều giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An đặc biệt nhấn mạnh phạm trù “quyết tâm”.
Việc giải quyết những bất cập, nâng cao đời sống Nhân dân không chỉ dừng ở chủ trương, biện pháp mà phải quyết tâm bằng hành động thiết thực vì lợi ích của Nhân dân. Trên cơ sở đó, các địa phương cần xây dựng chương trình hành động của đơn vị mình theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Trong chương trình, kế hoạch hành động phải có sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức và các thành viên. Theo định kỳ, có đánh giá rút kinh nghiệm, tìm ra bài học hoặc việc làm thiếu sót để bổ sung, sửa chữa kế hoạch hành động giai đoạn tiếp.
“Sau nửa chặng đường thực hiện Chiến lược cho thấy nhiều nội dung được nêu tại Quyết định số 222/ QĐ- TTg ngày 22/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương, Chính phủ với Hà Nội. Trong đó, đáng lưu ý, còn nhiều mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng đang tiếp tục đặt ra trong chặng đường còn lại, đòi hỏi TP phải tích cực, nhanh chóng và gấp gáp hơn để hoàn thành, đặc biệt là phát huy tính chủ động, lan toả vai trò dẫn dắt, đi đầu từ Thủ đô của cả nước” - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) PGS Bùi Tất Thắng