Theo báo cáo này, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, điện... là những khó khăn, gây áp lực lên lạm phát năm 2013 và những năm tiếp theo.Trên cơ sở dự báo, kinh tế năm 2013 tăng trưởng ở mức 5,3% và lạm phát ở mức 7%, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ ở mức 5,6 - 5,8% còn năm 2015 sẽ ở mức 6 - 6,2%. Lạm phát được dự báo ở mức 7% cho năm 2014 và 6,5% cho năm 2015.
Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá từ những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong ảnh: Sản xuất điện thoại di động Samsung tại Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Việt Linh
|
Theo cơ quan này, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài sẽ cao hơn với triển vọng Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết trong năm 2015. Đầu tư tư nhân trong nước cũng sẽ cải thiện nhờ những giải pháp chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh đã triển khai trong thời gian qua và phát huy tác dụng trong năm tới. Những biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu giúp hệ thống tài chính đã dần cải thiện và nâng cao khả năng cấp tín dụng. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá từ những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu vẫn giữ vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng và thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát cũng cho rằng, về dài hạn, cần có những giải pháp từng bước cải cách khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời hỗ trợ công nghiệp và khu vực DN trong nước.
Năm 2013, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp so với các năm trước. Để đạt mục tiêu lạm phát cả năm không vượt quá 7%, công tác điều hành giá những tháng cuối năm cần có sự thống nhất và lộ trình thích hợp. Cơ quan này cho rằng, kinh tế 2013 ổn định, tổng cầu trong phạm vi kiểm soát, không gây áp lực lớn lên lạm phát và giúp ổn định kỳ vọng về lạm phát là những thuận lợi trong kiểm soát lạm phát những năm tiếp theo.
Một đánh giá đáng chú ý là việc điều chỉnh giá hàng hóa một số mặt hàng cơ bản (giá than, điện, gas…) và dịch vụ công lớn sẽ gây áp lực lớn lên lạm phát 2014, 2015. Nhập khẩu có thể tăng cao hơn năm 2013 với xu hướng tăng trưởng khá hơn. Trong khi, lãi suất và tỷ giá USD/VND được dự báo tăng do những thay đổi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ và một số nước có thể tác động phần nào đến cung cầu ngoại tệ và qua đó, gây sức ép lên tỷ giá.
Từ những phân tích trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến nghị các giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra. Cụ thể, trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm 2013 và năm 2014, các chính sách cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu (đầu tư và tiêu dùng) để tạo điều kiện cho DN tiếp tục tăng sản lượng sản xuất, kích thích kinh tế. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần được quan tâm không nên thấp dưới 30% GDP để tạo điều kiện cân đối cung cầu hàng hóa, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong trung hạn, các chính sách cần hướng tới việc cải thiện cung cầu, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Do đó, việc đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế đóng vai trò quan trọng và cần phải tập trung thực hiện trong vòng 2 - 3 năm tới để tạo bước chuyển biến mới.