Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng chỉ nên là dự báo?

Hoa Hữu Lân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tăng trưởng GDP luôn là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Sau nhiều năm chỉ số này luôn đạt mục tiêu đề ra thì những năm gần đây, cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, tăng trưởng GDP đã buộc phải chấp nhận tăng thấp hơn. Thấp hơn để bảo đảm các mục tiêu khác, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô.
Năm 2017, mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra là 6,7%. Trong khi những tháng đầu năm, mức tăng này đạt thấp thì áp lực điều hành đặt lên những tháng còn lại của năm với mức tăng lên đến 7%, thậm chí cao hơn. Đã có không ít giải pháp được đưa ra như tăng sản lượng khai thác dầu thô, rà soát lại một số lĩnh vực dịch vụ, thuế, phí… Tuy nhiên, cũng đã có ý kiến cho rằng, thay vì đặt chỉ tiêu GDP, hãy chỉ đưa ra dự báo và dành ưu tiên cho những chỉ tiêu có ý nghĩa thực sự như lạm phát, bội chi, tỷ lệ thất nghiệp...
Những năm trước đây, và ngay tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề GDP đã lạc hậu, đừng cứ chỉ đặt mục tiêu vào GDP. Cái giá phải trả sau đó sẽ khó lường liên quan đến môi trường, con người, y tế, giáo dục... Chính vì thế, cơ quan điều hành nên “bình tĩnh lại” trong việc phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng, năm nay mục tiêu này là 6,7%. Trong khi đại đa số người dân không quan tâm GDP là gì, bao nhiêu, mà chỉ quan tâm đời sống họ hôm nay có tốt hơn hôm qua, ngày mai có tốt hơn hôm nay hay không.

Và thực tế, rất nhiều tổ chức và các nhà kinh tế trên thế giới luôn thận trọng khi đưa ra những dự báo tăng trưởng GDP, cho dù nắm trong tay nhiều dữ liệu thống kê, quy trình báo cáo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả khi có nhiều thông tin như thế trước những biến động thất thường của kinh tế thế giới cũng đã có không ít dự báo không đúng so với thực tế. Trong khi có nhiều biến số kinh tế không thuộc phạm vi kiểm soát, điều chỉnh được bởi Chính phủ, việc lập ra mục tiêu tăng trưởng GDP của Quốc hội cũng có không ít yếu tố định tính. Cho nên, giải pháp hiện nay có lẽ nên là hãy nhìn về dài hạn để dự báo thay vì đặt chỉ tiêu hàng năm.

Với cách tiếp cận này, Chính phủ sẽ có đủ công cụ cần thiết để kiểm soát lạm phát và cân đối ngân sách. Lạm phát ổn định, thâm hụt ngân sách trong tầm kiểm soát, DN trong và ngoài nước yên tâm bỏ vốn đầu tư với mức lãi suất ổn định trong dài hạn, tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ khởi sắc. Nói cách khác, bằng cách hướng vào mục tiêu kiểm soát lạm phát và thâm hụt ngân sách, Chính phủ vẫn có thể giúp nền kinh tế đạt được tăng trưởng cao và bền vững mà không cần thiết phải đặt ra mục tiêu này.