Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng chưa chuyển biến về chất

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô, tạo lập niềm tin cho nhà đầu tư và cộng đồng DN gắn với việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2017 - 2020, cũng như theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, dè chừng rủi ro… là giải pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong quý II/2017.

2 kịch bản cho quý II

Phân tích về kinh tế vĩ mô quý I/2017 của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội (NCIF) cho thấy, kinh tế vĩ mô ổn định, song tăng trưởng ở mức thấp; mô hình chuyển đổi chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào các ngành khai khoáng. Đặc biệt, cơ cấu công nghiệp phụ thuộc vào khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); DN tư nhân quy mô nhỏ, tái cơ cấu DN Nhà nước chậm; nền kinh tế vẫn chủ yếu là gia công; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển… khiến GDP quý I tăng 5,12%, thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây.

Kiểm tra kỹ thuật linh kiện điện thoại cung cấp cho hãng LG trong phân xưởng tại Công ty TNHH 4P (Văn Giang, Hưng Yên). Ảnh: Khắc Kiên

Trước thực tế đó, TS Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo NCIF đã đưa ra 2 kịch bản cho kinh tế quý II. Thứ nhất, kịch bản cơ sở là công nghiệp chế biến chế tạo dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn quý I với mức sụt giảm công nghiệp khai khoáng thấp hơn so với quý I; tỷ giá tương đối ổn định, tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư Nhà nước cao hơn so với quý I…, dự báo tăng trưởng GDP quý II sẽ đạt 5,6%, cả năm dự kiến đạt 6,2%. Thứ hai, kịch bản theo kế hoạch là công nghiệp khai khoáng phục hồi; mức khai thác tương đương năm 2016; tốc độ giải ngân vốn đầu tư Nhà nước có mức tăng trưởng mạnh; công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ..., dự báo tăng trưởng GDP quý II sẽ đạt 6,27%.

Dè chừng rủi ro

Mặc dù dự báo kinh tế có sự tăng trưởng trong quý II, nhưng các chuyên gia vẫn đưa ra cảnh báo, nền kinh tế vẫn còn một số thách thức, như: Công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm; giải ngân vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ đạt thấp. Ngoài ra, sức ép lạm phát gia tăng do chịu áp lực từ giá cả thế giới, áp lực về tỷ giá và lãi suất do biến động tài chính quốc tế. Từ con số nhập siêu 1,9 tỷ USD quý I, TS Đặng Đức Anh cho rằng, những năm qua, tăng trưởng của Việt Nam vẫn hầu như không có chuyển biến gì về chất, việc nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu sản xuất càng củng cố việc nền kinh tế phát triển thiếu bền vững với việc gia công là chủ yếu.

Dưới góc độ tác động từ quốc tế, TS Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc NCIF dự báo, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với việc áp thuế 20% thuế nhập khẩu có thể khiến mức tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm 0,29%. Đặc biệt, nếu Mỹ áp thuế biên giới với tất cả các nước, GDP cả nước năm 2017 sẽ sụt giảm 1%. "Mức độ tác động tới kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn, tuy nhiên khả năng áp dụng mức thuế này sẽ khó xảy ra" - ông Khôi nhận định. Đồng thời cảnh báo về rủi ro từ kinh tế Trung Quốc với lộ trình thay thế các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường khi triển khai “Chiến lược made in China 2025”. Theo đó, nước này sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp công nghệ cao với hàm lượng sẽ chiếm 70%, dẫn đến nguy cơ cao là những công nghệ kém, bị thải loại sẽ chuyển sang các nước kém phát triển hơn, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể để đạt mục tiêu

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2017, bà Nguyễn Thị Mai Thu - Giám đốc NCIF đã đưa ra một số giải pháp: Tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô để tạo lập niềm tin đối với các nhà đầu tư và cộng đồng DN; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần giám sát tiến độ thực thi các nhiệm vụ đưa ra trong Nghị quyết số 19 - 2016/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chương trình hành động thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2017 - 2020…

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế bổ sung, cần tái cơ cấu kinh tế nhanh, mạnh hơn, nhất là trong khối DN Nhà nước và xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng mạnh lãi suất, vì vậy, Việt Nam cần xem xét tăng trần lãi suất huy động USD đối với cá nhân lên 0,25% thay vì 0% như hiện nay để huy động được nguồn lực trong dân và góp phần minh bạch hóa nền kinh tế. Ngoài ra, các DN xuất khẩu cần chủ động nguồn nguyên liệu tốt cho chế biến, đảm bảo hợp đồng xuất khẩu... “Kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng cao trong những tháng tới khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 3 đạt 54,6 điểm chứng tỏ các DN đã mua hàng về để chuẩn bị cho sản xuất” - ông Lực dự báo.

Rõ ràng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc thực thi các chính sách của chính quyền Mỹ, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua cũng như những rủi ro từ nền kinh tế Trung Quốc, thêm vào đó là tác động của sự kiện Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) buộc Việt Nam phải sát sao với diễn biến kinh tế thế giới, từ đó có bước đi phù hợp để đạt được mục tiêu đề ra.

Sức ép tăng giá điện, khung thuế nhập khẩu và thuế môi trường với xăng dầu (có thể lên 8.000 đồng/lít) ảnh hưởng gì đến lãi suất và lạm phát cần phải được tính toán, làm rõ.

Ông Trần Toàn Thắng - Phó Trưởng ban Ban Môi trường Kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư)