Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng TCTK, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam Quý 2/2016 đã tăng 5,55% (Quý I tăng 5,48%). Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,35% đóng góp 2,38 điểm phần trăm; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012 - 2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015. “GDP có dấu hiệu chững lại là do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng”, ông Lâm nhận định. Nền kinh tế vừa lấy lại đà tăng trưởng từ Quý IV năm 2015 nhưng sang năm 2016 lại gặp khó khăn. Đặc biệt, đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu do ngành nông nghiệp giảm). Theo ông Lâm, đây là lần đầu tiên khu vực này giảm tăng trưởng sau nhiều năm là điểm tựa cho tăng trưởng, ngay cả trong những năm suy giảm kinh tế khó khăn nhất. Đặc biệt, tình hình khí hậu diễn biến bất thường như rét buốt ở các tỉnh phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu. 6 tháng qua, giá dầu thô đã giảm xuống mức thấp nhất, nhưng đây cũng là thời gian giá dầu thế giới thoát đáy lên mức cao. Thu ngân sách trên 425.000 tỷ đồng, nhưng chi ngân sách lên tới 508.000 tỷ đồng. Trong đó, chi ngân sách cho quốc phòng an ninh, quản lý nhà nước, Đảng đoàn thể trên 363.000 tỷ đồng. Chi trả nợ, viện trợ là 68.000 tỷ đồng, tức khoảng 3 tỷ USD. Cũng theo TCTK, 6 tháng qua, Việt Nam có 54.501 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 427.000 tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, 6 tháng qua vẫn có 5.507 doanh nghiệp đăng ký giải thể, tiếp tục tăng 17% so với năm trước; 31.119 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 15% so với cùng thời điểm năm trước. Theo TCTK, CPI 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp. Bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,39%. Bình quân 6 tháng CPI tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên từ nay đến hết năm 2016, sẽ có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI đó là giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu… Vì vậy, theo TCTK, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.