Vì thế, kịch bản tăng trưởng kinh tế cao nhất năm 2017 được cơ quan này đưa ra là mức 6,7%.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài mục tiêu tăng trưởng GDP, vấn đề hài hòa các mục tiêu khác của nền kinh tế như xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DNNN, tăng sức cạnh tranh của DN... là bài toán cần bàn đến.
GDP có thể tăng từ 6,2% đến 6,7%
Tại báo cáo về tình hình kinh tế tháng 4/2017 và dự báo cả năm 2017, UBGSTCQG đánh giá, tổng cung của nền kinh tế sẽ tăng mạnh hơn từ quý 2/2017 khi sản xuất công nghiệp sẽ tăng mạnh nhờ nhiều nguyên nhân như: Samsung sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc biệt là mẫu điện thoại di động S8. Ngoài ra, những diễn biến thời tiết thuận lợi sẽ giúp cho mục tiêu tăng trưởng khu vực nông lâm thủy sản đạt 2,7 - 2,8% trong năm 2017 khả thi hơn.
Về phía tổng cầu, khả năng có sự cải thiện nhờ vốn đầu tư công vào các dự án trọng điểm cũng như giải ngân vốn vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Cân đối ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm diễn biến khả quan. Bội chi ngân sách được kiểm soát ở mức thấp, bằng 11,2% dự toán, chủ yếu do thu ngân sách đạt khá và điều chỉnh trong luật về cách tính chi ngân sách. Thu nội địa có sự chuyển biến tích cực do thu từ khu vực sản xuất kinh doanh cải thiện.
Mặc dù nền kinh tế nhìn chung đang được cải thiện, nhất là đối với khu vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo, tuy nhiên, báo cáo của UBGSTCQG cũng đánh giá, những diễn biến mới của tình hình kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017. Cụ thể, việc giá dầu thô cũng như sản lượng khai thác dầu thô giảm mạnh tới 14,9% so cùng kỳ 2016 tác động không nhỏ tới tăng trưởng GDP quý I. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp, bằng 12,4% dự toán. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm vào đầu năm vẫn là yếu tố làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Dựa trên những phân tích này, UBGSTCQG đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cụ thể từ mức 6,2 - 6,7%. Với kịch bản trung bình tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2017 chỉ đạt khoảng 6,2%. Ở kịch bản khá, tăng trưởng kinh tế có thể đạt từ 6,4 - 6,5%. Còn ở kịch bản cao là 6,7%.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Trước đó, báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2017 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đánh giá, khả năng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% là rất khó khăn, nếu không cải thiện đáng kể tốc độ tăng trưởng trong các quý tiếp theo. Các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á cũng thận trọng với nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018.
Thực tế quý I/2017, GDP đạt mức tăng 5,1%. Vì thế, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, 3 quý tới GDP phải đạt được mức tăng trưởng trung bình khoảng 7,1%. Đây là một mục tiêu khá khó khăn. Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, vấn đề cần quan tâm nữa là phải hài hòa được tăng trưởng và các mục tiêu khác của nền kinh tế như xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DNNN, hỗ trợ DN...
Khó khăn lớn nhất cản trở mục tiêu tăng trưởng hiện nay, theo các chuyên gia là khó khăn về thể chế, cán bộ, cơ hội kinh doanh và năng lực nắm bắt cơ hội kinh doanh của DN. Kinh tế hội nhập, hàng rào kỹ thuật dựng lên nhiều hơn là thách thức cho thị trường xuất khẩu. Khả năng tiếp cận vốn của DN không dễ do lãi suất có xu hướng tăng, nợ xấu kiểm soát chặt chẽ hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn gặp nhiều khó khăn... Mục tiêu Việt Nam đặt ra là tăng trưởng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện nền tảng cho tăng trưởng theo chiều sâu vẫn chưa đầy đủ nên các định hướng, cơ hội đầu tư bị giới hạn.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, từ thực tế hội nhập, bản thân khu vực DN cũng phải liên kết với nhau để phát triển và nâng cao vị thế.
Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2017 vừa được Chính phủ ban hành cho biết, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%, đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước, điều chỉnh sản xuất để tránh dư thừa, ép giá… “Các Nghị quyết của chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh đã có, vấn đề bây giờ là thực thi. Nhiệm vụ thực thi này chỉ có DN, hiệp hội DN mới có thể buộc các cơ quan nhà nước không muốn làm cũng phải làm”. Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu “Động lực phát triển phải chuyển sang vai kinh tế tư nhân với các giải pháp theo Nghị quyết 19, 35 hỗ trợ DN của Chính phủ”. TS Nguyễn Minh Phong |