Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng kinh tế: Kỳ vọng vào chặng nước rút

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2017, trong thời gian này, tăng trưởng GDP với mục tiêu 6,7% luôn là đề tài nóng nhận được sự quan tâm lớn.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi các cấp, các ngành phải vào cuộc quyết liệt.
Những kết quả khả quan

10 tháng qua, nhờ hoạt động xuất khẩu (XK), sản xuất công nghiệp luôn tăng, lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sản xuất nông nghiệp cũng thể hiện mạnh mẽ đã góp phần đưa nền kinh tế phát triển vượt bậc. Trong 10 tháng, XK tiếp tục có được mức tăng trưởng ấn tượng, đạt tới 173,7 tỷ USD, gần bằng cả năm 2016 (175,9 tỷ USD). Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm nay XK có thể đạt mức 210 tỷ USD (cao hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 188 tỷ USD), góp phần cải thiện tăng trưởng.

Lắp ráp xe máy tại Công ty Honda Việt Nam. Ảnh: Việt Dũng

Vốn đầu tư FDI thực hiện trong 10 tháng đạt 84,6% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm, vốn FDI được dự báo sẽ đạt nhiều kết quả tích cực nhờ hưởng lợi từ nhiều yếu tố thuận lợi của nền kinh tế như môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực cùng sự đánh giá tích cực của các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng đầu tư tại Việt Nam. Dòng vốn FDI tăng được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng giúp hồi phục tăng trưởng XK của cả năm 2017. Tổng vốn đầu tư phát triển cả năm 2017 cũng ước tăng tới 33,4% GDP, cao hơn kế hoạch và cao hơn 12,6% so với năm 2016. Tăng trưởng tiêu dùng cũng được dự báo tương đối khả quan trong những tháng cuối năm 2017.

Vượt khó để về đích

Quý III tăng trưởng đã tăng ngoạn mục và tháng 10 đã đạt 7,1%, song muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% thì toàn bộ quý IV phải đạt 7,4 - 7,5%. Thời gian qua, dù đạt được những kết quả khả quan nhưng còn rất nhiều khó khăn. Cụ thể, tồn kho cao, khó giảm lãi suất cho vay, DN giải thể lớn, tình trạng nhập siêu quay trở lại, kim ngạch XK của khu vực FDI vẫn luôn ở thế “áp đảo” và đang dần lấn lướt khu vực kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng nông sản trên thế giới tiếp tục giảm sâu có thể sẽ ảnh hưởng tới XK nông sản của Việt Nam. Ở trong nước, diễn biến bất thường của thời tiết, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành và lĩnh vực. Ngoài ra, nợ công, nợ xấu còn cao. Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vẫn là vấn đề cần được ưu tiên trong tháng cuối năm để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng chung.

Vừa qua, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương rà soát để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực. Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo TS Trương Văn Phước - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Việt Nam cần phải có những tiến bộ đáng chú ý về công nghệ và hiệu quả thị trường lao động. “Thực tế, chúng ta mới chỉ thoát ra khỏi ngưỡng “thu nhập thấp” và bước vào các quốc gia “thu nhập trung bình”. Để bắt kịp với các nước trong khu vực và thế giới, chúng ta tiếp tục phải đi nhanh hơn nữa. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam lại càng phải tăng tốc để có thể bắt kịp và tận dụng đòn bẩy công nghệ vô cùng lớn lao này”- TS Trương Văn Phước nhìn nhận và cho rằng các giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng phải hướng tới tăng trưởng cao và bền vững. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực tế, tại phiên chất vấn vừa qua, Thủ tướng cho biết, kết quả đạt được 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra là rất đáng phấn khởi, nhưng Chính phủ nhận thức được rằng kết quả đó mới chỉ là bước đầu. “Thẳng thắn mà nói là chưa hài lòng. Nếu làm tốt hơn nữa, làm hết sức mình thì kết quả sẽ còn tốt hơn nữa” - Thủ tướng chia sẻ.