Theo số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2019 được Trung Quốc công bố ngày 18/10, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ đạt mức tăng 6% so với cùng kỳ năm trước - mức yếu nhất trong ít nhất 27 năm rưỡi.
Trước đó, các chuyên viên phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters dự báo GDP trong quý III của Trung Quốc tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Kinh tế Trung Quốc trong quý II tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Chuyên gia Vishnu Varathan - Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Bộ phận Tài chính châu Á và châu Đại Dương ở Mizuho Bank nói rằng, GDP Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ quý I/2018, thời điểm kinh tế nước này tăng 6,8% vì thắt chặt tín dụng và cuộc chiến thương mại với Mỹ. “Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang giảm tốc rất nghiêm trọng”, chuyên gia Varathan cảnh báo trong một báo cáo công bố hôm 14/10.
Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng chính thức mà Bắc Kinh đề ra trong năm 2019 là 6 - 6,5%.
Trước số liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc trong quý III, các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt mất điểm trong phiên giao dịch ngày 18/10.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản sụt 0,3% sau khi giảm nhẹ trong phiên trước đó.
Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 1,32%, đóng cửa ở mức 2.938,14 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp Thâm Quyến hạ 1,17% xuống còn 1.616,72 điểm và chỉ số thành phần Thâm Quyến lao dốc 1,16% xuống còn 9,533,50 điểm.
Các nhà phân tích của Macquarie ngày 18/10 lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc có thể phải tiếp tục tiến hành thêm các gói kích thích kinh tế trong một đến hai quý tới nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng từ 5,5 - 6% trong năm 2020.
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 17/10 tuyên bố rằng Mỹ phải hủy bỏ việc tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh nếu muốn đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện.
Tại sàn chứng khoán Kồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng cũng mất 0,72% trong phiên giao dịch chiều.
Chỉ số ASX 200 của Australia cũng trượt 0,52%, đóng cửa ở mức 6,649,70 điểm mặc dù cổ phiếu của nhóm ngân hàng Big Four đã thu hẹp đà giảm ở đầu phiên. Cổ phiếu của Ngân hàng Quốc gia Australia giảm 0,35%, Ngân hàng Commonwealth mất 0,59%, ANZ hạ 0,68% và cổ phiếu của Westpac sụt 0,83%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản ghi nhận sắc xanh hiếm hoi tại thị trường chứng khoán châu Á trong phiên này, với mức tăng 0,18% lên 22.492,68 điểm. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,83%, đóng cửa ở mức 2.060,69 điểm.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm về mức 97,614 điểm sau khi leo lên tới 98,113 điểm trong phiên ngày 17/10.
Tỷ giá đồng yen Nhật Bản tăng so với đồng USD, hiện được giao dịch ở mức 1 USD đổi được 108,54 yen.