Ông Trần Xuân Quảng - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đã có cuộc trao đổi với báo chí về các giải pháp để khơi thông dòng tín dụng cuối năm.
Dù tín dụng toàn hệ thống tính đến hết quý III/2013 tăng chậm nhưng nhiều ngân hàng vẫn đặt kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cao vào 3 tháng cuối năm. So với những năm trước, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong "mùa tín dụng" năm nay có lớn không, thưa ông?
- So với thời điểm này các năm trước, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp năm nay thấp hơn. Nguyên nhân là do kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, nhu cầu về đầu tư mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với các năm, việc tính toán lựa chọn triển khai tại nhiều dự án cũng rất thận trọng. Khó khăn cũng khiến người dân thắt chặt chi tiêu, hạn chế sức tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp… Chính vì thế, việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, không chỉ có Maritime Bank, mà theo tôi được biết nhiều ngân hàng đã có kế hoạch để có thể bơm vốn ra nền kinh tế, đảm bảo lợi nhuận ngân hàng cũng như góp phần giúp doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh cuối năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn không có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Ông nhận định gì về điều này?
- Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đang thực sự gặp khó khăn trong kinh doanh do khả năng cạnh tranh hạn chế, lượng hàng tồn kho nhiều, đòn bẩy công nợ cao, trong khi đối mặt với áp lực thua lỗ, vốn chủ sở hữu bị sụt giảm, đầu tư dàn trải, sử dụng vốn sai mục đích… Đây là những khó khăn xuất phát từ năng lực của bản thân doanh nghiệp. Đối với những khách hàng như vậy, trong bối cảnh kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện tại, các ngân hàng chắc chắn sẽ rất thận trọng khi xét cho vay để tránh làm cho gánh nặng nợ xấu của chính mình trầm trọng thêm.
Trái lại, những doanh nghiệp có năng lực tài chính ổn định, kế hoạch kinh doanh khả thi, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khá dễ dàng. Hiện, khối ngân hàng nói chung và Maritime Bank nói riêng đều đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh chóng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
Vậy, chúng ta cần có những giải pháp nào để dòng tín dụng thực sự được khai thông, thưa ông?
- Trước hết, chúng ta kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới nói riêng và trong nước nói chung. Kinh tế phục hồi sẽ kích thích sự gia tăng của sức cầu, thúc đẩy sự luân chuyển hàng hóa tốt hơn. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được bằng việc điều hành thông qua chính sách tiền tệ linh hoạt; Duy trì tốt hệ thống thanh khoản cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế. Việc kiểm soát tốt tỷ giá, lãi suất cũng sẽ góp phần lấy lại sự tự tin cho các doanh nghiệp khi cân nhắc đầu tư. Ngoài ra, xử lý nợ xấu thông qua Công ty mua bán tài sản quốc gia (VAMC) cũng góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn trở lại, cũng như giúp các ngân hàng thương mại có cơ hội tiếp tục tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, về phía mình, các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý rủi ro, xử lý nợ xấu để khơi thông nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng; Chủ động rà soát, tăng cường tiếp cận khách hàng, đánh giá và chọn lọc khách hàng phù hợp có khả năng vượt qua được khó khăn trước mắt để giải ngân. Bên cạnh đó, dịch vụ ngân hàng cần tiếp tục được đầu tư, nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì niềm tin của xã hội vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo duy trì tăng trưởng huy động khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại.
Các doanh nghiệp cũng cần phải có những nỗ lực lớn để thay đổi, cải thiện năng lực tài chính và kinh doanh, thể hiện được khả năng sử dụng vốn tín dụng một cách an toàn, hiệu quả. Một số vấn đề có thể cần quan tâm đặc biệt là: Xử lý các khoản nợ đọng và lượng hàng tồn kho; Nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường; Điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với vốn; Nâng cao năng lực quản trị, quản lý hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí vốn…
Xin cảm ơn ông!
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh MaritimeBank. Ảnh: Trần Việt
|