Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng tín dụng đến hết năm 2016 đạt 18,71%

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến ngày 29/12, tín dụng tăng 18,71%, huy động vốn tăng 18,38%, thanh khoản hệ thống được đảm bảo.

Trên đây là thông tin được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại buổi họp báo tổng kết sáng nay (4/1).
Toàn cảnh buổi họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.
“NHNN đã sử dụng linh hoạt các công cụ để điều tiết thanh khoản hệ thống dư thừa hợp lý, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, một số tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết. NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình góp phần giảm áp lực lãi suất cho các TCTD. Lãi suất cho vay giảm khoảng 0,5-1% đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm với kì hạn ngắn và 9-11% với trung và dài hạn.
Tín dụng VND tăng cao, cơ cấu tín dụng diễn biến tích cực theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, tập trung chủ yếu lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản chậm lại. Tín dụng được đẩy mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên. Chương trình cho vay hỗ trợ mua nhà ở gói 30.000 tỷ đồng hạn, đến 31/12 số tiền giải ngân đã đạt khoảng 30.000 tỷ đồng và đã đạt mục tiêu đề ra.

Về tỉ giá, thị trường ngoại tệ và tỷ giá năm 2016 là khá ổn định, giúp củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Cho đến cuối năm 2016, đồng Việt Nam mới mất giá 1,1 - 1,2% và thanh khoản ngoại tệ trên thị trường rất ổn định.

Nợ xấu 2,46%, xây dựng phương án với 5 ngân hàng mua bắt buộc

Nợ xấu được giữ ổn định ở mức dưới 3% đến 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu ước tính còn khoảng 2,46%. Tỷ lệ giảm do các TCTD đã tập trung nguồn lực sử dụng cho dự phòng để thu hồi nợ. Từ đầu năm đến hết 30/11/2016, VAMC đã thực hiện mua 839 khoản nợ với tổng dự nợ gốc là 23.283 tỷ đồng, giá mua nợ là 22.438 tỷ đồng. Số nợ xấu bán cho VAMC có giảm so với nợ xấu năm 2015, lý do là số nợ xấu năm 2016 đã giảm xuống so với năm 2015.

Năm 2016, NHNN đã tiếp tục tập trung vào năng lực điều hành quản trị tín dụng, kiểm soát quản lý rủi ro, xử lý nợ xấu, sở hữu chéo và đầu tư chéo giữa các TCTD với nhau và giữa các TCTD với doanh nghiệp… và các TCTD yếu kém về cơ bản được nhận diện, 3 ngân hàng 0 đồng, NHNN đã xây dựng phương án mua 3 ngân hàng bắt buộc này và 2 ngân hàng khác. Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Chánh Thanh tra NHNN cho biết, năm 2016 là năm NHNN tập trung đánh giá lại các TCTD sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu để định hướng cho giai đoạn 2016 - 2020. NHNN đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng trên phương án tiếp tục xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém của giai đoạn trước. Về thể chế, NHNN đã xây dựng các phương án mua 3 NH bắt buộc trên và hiện nay đối với 5 NH này, NHNN đã trình Chính phủ và Bộ Chính trị đã có kết luận chi tiết về 5 ngân hàng này. Mục tiêu đến năm 2020 đạt được các mục tiêu lớn trong Đề án.

Định hướng năm 2017, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt các công cụ CSTT phù hợp với diễn biến trên thị trường thế giới và trong nước để thực hiện mục tiêu CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, độ mở cửa khá lớn, các diễn biến đó không chỉ tác động đến các yếu tố kinh tế mà còn tác động tới tâm lý do đó, NHNN sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm như nâng cao công tác dự báo, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để điều hành linh hoạt nhằm ổn dịnh thị trường tiền tệ, đảm bảo thanh khoản hệ thống, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ phù hợp với các cân đối vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ, phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2016. Xây dựng kế hoạch cũng như tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 ngay sau khi được Bộ Chính trị phê duyệt.