Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng xanh - nền tảng phát triển bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, nhưng còn dựa nhiều vào sử...

Kinhtedothi - Dù đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, nhưng còn dựa nhiều vào sử dụng vốn, tiêu hao năng lượng (NL) và khai thác tài nguyên. Bởi vậy hơn lúc nào hết, Việt Nam cần theo đuổi mô hình tăng trưởng thân thiện với môi trường - xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay.

Hiệu quả sử dụngnăng lượng thấp

Ngày 26/6, tại Hội thảo công bố kết quả Dự án "Xây dựng ma trận hạch toán xã hội Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) chủ trì, các chuyên gia nhóm nghiên cứu cho biết: Một mục tiêu của Chiến lược Tăng trưởng xanh (TTX) là giảm mức tiêu hao NL tính trên GDP từ 1 -  1,5%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020. Song, "từ năm 2011 đến nay, cường độ tiêu thụ NL tại Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng, tỷ lệ thuận với mức tăng trưởng quy mô các ngành sản xuất. Điều đó chứng tỏ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp (DN) nhìn chung vẫn lạc hậu" - ông Trần Trung Hiếu - Phó Trưởng ban Thể chế kinh tế - CIEM đánh giá. Dẫn chứng trong ngành thép, khả năng tiết kiệm NL lớn nhất ở giai đoạn luyện gang, nhưng tại Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là quy mô công suất nhỏ, công nghệ cũ, tiêu tốn 28,13GJ NL/1.000 tấn sản phẩm trong khi suất tiêu hao NL của công nghệ hiện đại nhất chỉ là 12,2GJ/1.000 tấn.

 
Các cột điện gió trên biển thuộc Nhà máy điện gió Bạc Liêu.
Các cột điện gió trên biển thuộc Nhà máy điện gió Bạc Liêu.
Một mục tiêu của Chiến lược TTX là giảm phát thải khí nhà kính, nhưng thực tế hoạt động sản xuất cho thấy, những ngành có cường độ phát thải khí CO2 cao như xi măng, điện lại không tạo được nhiều việc làm. Trong khi đó, những ngành tạo việc làm lớn, kim ngạch xuất khẩu cao như may, giày dép, chế biến thực phẩm lại thuộc nhóm phát thải khí CO2 ít nhất. Điều đó cho thấy, để đạt được mục tiêu giảm khí thải nhà kính đòi hỏi cơ quan quản lý phải ban hành những quy định tác động trực tiếp đến các ngành có phát thải nhiều khí CO2, đại diện tổ chức Danida (Đan Mạch) đưa ra khuyến nghị.

Thích ứng và giảm thiểu

Trong thời gian qua, để đối phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đã theo đuổi mô hình tăng trưởng thân thiện với môi trường, trong đó, năm 2012 ban hành Chiến lược quốc gia về TTX, và gần đây nhất, năm 2014 ban hành Chương trình hành động Chiến lược TTX giai đoạn 2014 - 2020, với 66 hành động.

Theo TS Đoàn Trọng Tứ (Bộ TN&MT), vấn đề phát triển bền vững không quá mung lung  mà chính là những gì đang diễn ra trong thực tế. "Mỗi năm, cả nước sử dụng 88 triệu tấn than và Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự kiến đến năm 2030 có thể phải nhập 100 - 150 triệu tấn. Cường độ sử dung than ở Việt Nam ngày càng tăng, nhập khẩu rất nhiều, trong khi trên thế giới có xu hướng hạn chế đến mức cao nhất việc sử dụng than vì đó là một nguyên nhân chính dẫn đến BĐKH. Để giảm dùng than, chúng ta phải tăng sử dụng NL tái tạo. Chẳng hạn, tại các đảo như Phú Quốc, Phú Quý thay vì sử dụng điện lưới được kéo từ đất liền ra có thể dùng NL gió hay NL mặt trời vốn có sẵn" - ông Tứ chia sẻ.

"Chúng ta nên quan niệm BĐKH như sức khỏe: Con người ngày càng già và sẽ có biến đổi về sức khỏe. Ta không thể thay đổi quy luật tự nhiên mà phải cố gắng thích ứng và tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực của chúng. Việt Nam đừng ngồi chờ mà hãy hành động ngay vì mục tiêu TTX, để thích ứng và giảm thiểu những ảnh hưởng của BĐKH" - GS Finn Tarp - Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới khuyến cáo.

Nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu TTX tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần đưa ra mục tiêu cụ thể, triển khai các biện pháp tạo sức ép cũng như khuyến khích, giám sát chặt quá trình thực hiện mục tiêu giảm cường độ tiêu hao NL của các ngành NL, GTVT, sắt thép, dệt sợi, giấy... Bên cạnh đó, cần triển khai các chính sách, nhất là thuế và tín dụng để tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng đổi mới công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề, phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, tiêu hao NL thấp. Đặc biệt, cần xóa bỏ trợ cấp giá điện cho sản xuất công nghiệp, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trong triển khai thực hiện chính sách TTX.
Muốn đạt mục tiêu giảm tiêu thụ NL trên GDP, Việt Nam nên tập trung giảm tiêu hao NL trong các ngành sử dụng nhiều NL như điện, xi măng, sợi dệt, sắt thép, giấy, hoặc khuyến khích phát triển những ngành sử dụng NL thấp như chế biến sữa, chế biến rau quả, da giày, cao su, nhựa hay những ngành công nghiệp chế biến khác.

Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng Phó Viện trưởng CIEM