Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng, xuất khẩu, CPI khó đạt mục tiêu

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức tranh kinh tế 2016 đã rõ dần qua 11 tháng của năm. Từ kết quả 11 tháng có thể nhận diện kết quả, tín hiệu cũng như cảnh báo những vấn đề đáng quan tâm.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành chế biến, chế tạo tăng 11%; số DN thành lập mới tăng 17,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 8,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (đã loại giá) tuy thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2015 (7,6% so với 8,3%) nhưng đã tăng cao hơn tốc độ tăng GDP (6,4%). Đặc biệt, lĩnh vực xuất, nhập khẩu, kết quả nổi bật là cải thiện cán cân thương mại, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối, góp phần ổn định tỷ giá; chuyển vị thế của Việt Nam trong quan hệ buôn bán với nước ngoài từ chỗ nhập siêu 2,98 tỷ USD trong 11 tháng năm 2015 sang xuất siêu 2,86 tỷ USD trong 11 tháng năm 2016. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng năm nay ước đạt trên 9 triệu lượt người, tăng 25,4%. Đó là tốc độ tăng rất cao; với chi tiêu bình quân 1 lượt khách (như 6 tháng đầu năm 2016 đạt 867,2 USD) thì số ngoại tệ thu được có thể đạt trên 7,8 tỷ USD. Kết quả của 11 tháng là tín hiệu khả quan để cả năm 2016 có thể cán mốc 10 triệu lượt người và 8,7 tỷ USD, vượt qua kỷ lục đã đạt được trong năm 2015 (7,96 triệu lượt người và 7.330 triệu USD).
 Ảnh minh họa
Tuy nhiên, từ diễn biến của kinh tế trong 11 tháng qua, có thể cảnh báo một số vấn đề đáng quan tâm. Nông nghiệp tiếp tục gặp “khó khăn kép”, thậm chí còn lớn hơn cả năm 2015, đó là thời tiết khắc nghiệt và tiêu thụ, thiên tai. Tiêu thụ nông sản gặp khó khăn ở cả trong nước và xuất khẩu, nhất là giá xuất khẩu giảm sâu. Khả năng giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp - thủy sản năm nay tuy không giảm như 6 tháng đầu năm, nhưng tăng thấp nhất tính từ năm 1981. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) chậm lại, còn của ngành công nghiệp khai khoáng bị giảm. Việc tăng chậm lại của công nghiệp chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu, xuất khẩu của khu vực FDI và nhiều mặt hàng công nghiệp, nếu năm trước tăng cao, thì năm nay tăng thấp, thậm chí có mặt hàng còn bị giảm sâu.
Xuất siêu không phải do xuất khẩu tăng cao, mà chủ yếu do nhập khẩu tăng chậm lại. Xuất siêu vẫn do khu vực FDI, còn khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu lớn.
Trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Thu từ dầu thô giảm sâu, thu từ xuất nhập khẩu tăng thấp; bội chi còn lớn, nợ công, nợ nước ngoài tăng, nợ Chính phủ đã phải nâng trần. Lãi suất cho vay còn cao hơn tỷ suất lợi nhuận trước thuế; nợ xấu giảm ở hệ thống ngân hàng thương mại, chủ yếu mới chuyển sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhưng chưa xử lý triệt để, thực chất.
Từ những phân tích trên có thể nhận định, kinh tế năm 2016 khả năng không đạt ở chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng GDP (6,7%), xuất khẩu, thậm chí cả CPI. Chính vì thế, việc ổn định kinh tế vĩ mô vẫn cần tiếp tục có những giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả hơn.