Kinhtedothi - Hôm nay (2/6), Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu.
Vấn đề được các đại biểu (ĐB) tập trung thảo luận tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, ổn định môi trường đầu tư chính là từng bước khẳng định tính tự chủ về kinh tế.
Ghi nhận những kết quả tích cực của nền kinh tế có những dấu hiệu phục hồi rõ nét. Tuy nhiên, các ĐB cho rằng, Việt Nam cần phải tận dụng tốt đà phục hồi này để kinh tế thoát khỏi giai đoạn trì trệ. Kết thúc năm 2013, các mục tiêu mà Quốc hội đề ra đều tăng so với dự kiến ban đầu. Còn 4 tháng đầu năm 2014, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều có những tín hiệu khả quan. Lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng kinh tế vẫn giữ được nhịp độ.
Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội. Ảnh: TTXVN
|
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những rủi ro tiềm ẩn khó khăn mới như nền kinh tế dù có tăng trưởng nhưng chưa tạo được đột phá. Tuy đã bắt đầu thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong doanh nghiệp nhà nước và trong lĩnh vực ngân hàng nhưng những tồn tại về thể chế, về quy định giải quyết vướng mắc vẫn còn chậm...
Tuy nhiên, những biến động về kinh tế - chính trị trong khu vực và trên thế giới hiện nay đã tác động mạnh đến kinh tế trong nước và cho thấy một thực tế, kinh tế Việt Nam lệ thuộc khá nhiều vào thị trường bên ngoài. Hơn bao giờ hết, yêu cầu về tự chủ kinh tế đang đặt ra cấp thiết với các cơ quan quản lý Nhà nước và từng doanh nghiệp của Việt Nam.
Tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, có thể là một cách thức hiệu quả hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Bởi, với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu thế giới trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc Úc, New Zealand, Nga, Ukraine... và các nền kinh tế khác máy móc, thiết bị, công nghệ, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn, phần nào có thể cạnh tranh được với nguồn cung giá rẻ hiện tại từ Trung Quốc, ông Lộc phân tích.
Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải đột phá cải cách thể chế, trước hết là thể chế kinh tế.
“Một khi nội lực quốc gia yếu kém, những mối đe dọa từ bên ngoài luôn rình rập và ta luôn vô cùng khó khăn để chống đỡ. Bởi thế, yêu cầu cải cách thể chế nhằm vừa phát triển đất nước bền vững, vừa bảo vệ vững chắc tổ quốc càng trở nên cấp thiết hơn”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Về vấn đề tái cơ cấu nền cơ cấu kinh tế, theo các ĐB Quốc hội, cần tăng thực lực nội địa. Làm sao để các doanh nghiệp yên tâm, tin tưởng khi đầu tư vào Việt Nam; làm sao để doanh nghiệp trong nước cũng tiếp cận dễ dàng hơn với vốn vay và các điều kiện khác. Hạn chế sách nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; chuyên nghiệp hóa và rút ngắn quá trình thực hiện các thủ tục hành chính là những việc làm vô cùng cần thiết để ổn định môi trường đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp phát triển, cùng với đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn với người tiêu dùng, hơn bao giờ hết, khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được khẳng định bằng những hành động cụ thể.
Tại buổi thảo luận, ĐB Vũ Chí Thực nhận định, vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam làm dấy lên sự phẫn nộ trong nhân dân. Nhiều phần tử xấu lợi dụng việc này gây rối, song chúng ta đã xử lý tốt và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, vạch trần thủ đoạn của các thế lực thù địch và cả những thế lực đằng sau vụ giàn khoan.
ĐB Thực khẳng định, chúng ta cần kiên quyết bảo vệ chủ quyền, buộc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam và chủ động đối phó mọi tình huống, kể cả kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) bày tỏ sự đồng tình với các chỉ đạo của Chính phủ về đầu tư tiềm lực quốc phòng như đóng tàu, xây dựng công trình để bảo vệ vững chắc biển đảo với phương châm "Vững toàn diện, mạnh trọng điểm", ông cũng yêu cầu tăng cường đầu tư cho các lực lượng chấp pháp trên biển, hệ thống phòng thủ biển đảo và đầu tư tàu cá cho ngư dân.
ĐB Nghĩa cho rằng, hiện ngư dân đóng tàu cá lớn được hưởng lãi suất 3% năm song Chính phủ cần cho vay không lãi để khuyến khích người dân vừa đánh cá vừa bảo vệ biển đảo. Có thể áp dụng trước tại các tỉnh trọng điểm và kiện toàn tổ chức các nghiệp đoàn lớn trên biển để tăng cường quốc phòng toàn dân trên biển.
Trước ý kiến của ĐB Nghĩa, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết, Chính phủ đã dự kiến dành 16.000 tỷ đồng đầu tư cho cảnh sát biển, kiểm ngư và bà con nông dân đánh bắt xa bờ.