Ông có thể nói rõ hơn về phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62 và nữ lên 60, được thực hiện có lộ trình từ 1/1/2021 của Bộ LĐTB&XH?Trước hết tôi muốn nói mâu thuẫn trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động (BLLĐ). Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm và lại nâng tuổi nghỉ hưu trong khi chúng ta đang thừa rất nhiều lao động. Việc này sẽ dẫn đến nguy cơ DN ít tuyển nhân lực để người lao động (NLĐ) làm thêm giờ. Như thế, DN có lợi vì không phải thực hiện các chính sách đối với NLĐ (đóng bảo hiểm) nhưng xã hội lại không được lợi bởi tình trạng nhiều người đến tuổi lao động nhưng không có việc làm.
Thứ nữa, thực trạng hiện nay, một số ngành sản xuất, lao động trực tiếp bằng tay chân, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì NLĐ không đủ sức để làm. Trong khi ấy, DN không muốn sử dụng NLĐ nhiều tuổi vì hiệu quả làm việc không cao, nhất là khi ngoài thị trường đang dư thừa lao động.
|
Người lao động đang ứng tuyển tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội |
Nhưng, một trong 4 lý do Bộ LĐTB&XH đưa ra đó là nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ vỡ quỹ hưu trí và quỹ tử tuất?Bộ đưa ra lý do vỡ hai quỹ là không thoả đáng. Những người về hưu trước năm 1995 không đóng BHXH nhưng Quỹ vẫn phải chi trả, trong khi Nhà nước không hỗ trợ cho Quỹ.
Thứ nữa, chúng ta thực hiện tinh giản biên chế, cho một loạt người nghỉ hưu trước tuổi, những người làm trong quân đội nghỉ chế độ sớm, người thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng được tính thời gian để hưởng BHXH, nhưng Nhà nước không đóng cho đối tượng này. Vì thế, Quỹ BHXH vẫn phải chi trả.
Hiện nay, hàng loạt những DN đang trốn, nợ BHXH làm ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm. Và, một lý do nữa, đó là việc tổ chức quỹ BHXH. Những người làm quản lý trong BHXH được hưởng số tiền lương hệ số lương cao so với mức lương cơ sơ của Nhà nước quy định. Trong khi các đối tượng khác làm ở cơ quan hành chính sự nghiệp chỉ được hưởng mức lương cơ bản. Như vậy, chưa gắn quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ ngành BHXH trong việc thu và quản lý quỹ BHXH.
Vậy, khi tuổi thọ của người Việt đang tăng lên trên 70 và nhiều nước nâng tuổi nghỉ hưu lên 67, chúng ta nên theo xu hướng này?Lý do tuổi thọ cao để nâng tuổi nghỉ hưu cũng có sức thuyết phục. Nhưng, đặc thù Việt Nam khác các nước châu Âu, nhất là dịch vụ về y tế và đời sống chưa tốt dẫn đến sức khoẻ chưa tốt. Khí hậu của Việt Nam khắc nghiệt, điều kiện lao động của người Việt Nam cũng chưa tốt, còn nặng nhọc và nhiều yếu tố độc hại.
Với những điều đã phân tích, tôi đồng tình với nâng tuổi nghỉ hưu, nhưng chỉ nên thực hiện với những người làm ở khu vực hành chính sự nghiệp. Một số trường hợp làm việc trong các ngành nặng nhọc, độc hại nguy hiểm (cao su, dệt may, giày da, chế biến thuỷ sản, hoá chất, luyện thép) thì không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Bộ LĐTB&XH đề xuất làm thêm 400 giờ/năm, một số Hiệp hội đề nghị 500 giờ. Theo ông, số giờ làm thêm nên ở mức bao nhiêu để NLĐ có cơ hội tăng thu nhập và bảo đảm được sức khoẻ?Cả thế giới quan tâm đến giảm giờ làm cho NLĐ, không lý do gì Việt Nam lại tăng giờ làm thêm. Thực tế, nếu so sánh giờ làm thêm của Việt Nam thấp hơn các nước. Nhưng, hiện nay NLĐ Việt Nam làm 44 giờ/1 tuần, trong khi nhiều quốc gia quy định 40 giờ/1 tuần. Thậm chí, một số nước NLĐ làm dưới 40 giờ/tuần. Nếu cộng cả 200 giờ làm thêm/1 năm (đối với những lao động làm trong ngành nghề bình thường) thì giờ làm việc trong năm của NLĐ Việt Nam tương đương với các nước.
Nhưng, lý do cực kỳ quan trọng là Việt Nam thừa lao động, trong khi số giờ làm thêm cao, DN không tuyển thêm dẫn đến thất nghiệp nhiều. Điều này dễ phát sinh các tệ nạn xã hội. Nguy hiểm hơn, nếu bỏ quy định số giờ làm thêm trong 1 tháng theo như đề nghị mà thay bằng tính theo ngày và năm, sẽ có những tháng NLĐ làm việc đến mức kiệt sức. Mặt khác, đề nghị làm thêm giờ cũng bộc lộ yếu kém của DN trong công tác tổ chức quá trình sản xuất và sử dụng NLĐ. Do vậy, không nên tăng giờ làm thêm.