Chú trọng tuyên truyền, giáo dục Ngày 6/5, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với Phòng CSGT Công an TP Hà Nội tổ chức lực lượng trực tại những cầu bộ hành, đường cho người đi bộ để tuyên truyền, nhắc nhở người dân tham gia giao thông, nhất là người đi bộ đi đúng phần đường quy định. Đây là một trong chuỗi các hoạt động của Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức từ ngày 6 - 12/5, nhằm hướng đến giảm thiểu nguy cơ tai nạn đường bộ, nhất là đảm bảo không có trường hợp người đi bộ bị tử vong vì tai nạn giao thông. Trong chiến dịch này, các biện pháp tuyên truyền, giáo dục sẽ được đẩy mạnh, triển khai tại tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc. Trong đó, tập trung tuyên truyền nhắc nhở người đi bộ đi đúng nơi, phần đường quy định; Tuyên truyền các quy tắc giao thông, nguyên nhân, hậu quả, cách phòng chống TNGT cho người đi bộ; Các phương tiện nhường đường cho người đi bộ… Bên cạnh đó, nâng cấp các cơ sở hạ tầng, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng, vỉa hè cho người đi bộ…
Thực tế, hiện cơ sở hạ tầng dành cho người đi bộ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn rất thiếu, yếu kém. Thậm chí, nhiều tuyến phố không có vỉa hè, lòng đường. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng thừa nhận: "Ở Việt Nam ngay cả tại những nơi có cơ sở hạ tầng đầy đủ, có cầu vượt, hầm chui nhưng người đi bộ không sử dụng. Hầu hết người vi phạm là học sinh, sinh viên nên Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề ra mục tiêu là phải phối hợp với nhà trường, sở, Bộ Giáo dục&Đào tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền". Ông Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho rằng, các cấp, các ngành cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền định hướng cho người tham gia giao thông, nhất là người đi bộ. Vì từ trước đến nay, đối tượng này thường bị bỏ quên. Mặt khác, người đi bộ hay bất kỳ phương tiện gì cũng cần bình đẳng và phải tôn trọng pháp luật. Còn theo đại diện WHO, TS Cristobal Tunon thì: Tất cả chúng ta đều là người đi bộ dù có đi phương tiện gì, nên việc giáo dục và nâng cao ý thức cho người đi bộ là cần thiết. Và cần có sự kết hợp, triển khai rộng khắp trên nhiều tỉnh, thành cũng như kế hoạch tuyên truyền lâu dài. Người đi bộ sai luật sẽ bị xử phạt nghiêm Mỗi năm, trên thế giới có hơn 1,2 triệu người chết do TNGT đường bộ trong đó có khoảng 22% là người đi bộ. Còn theo số liệu thống kê của Cục CSGT đường bộ, đường sắt, năm 2012 đã xử phạt 6 triệu trường hợp vi phạm Luật Giao thông, trong đó có 3 - 5% là người đi bộ. Và con số nạn nhân cũng như nguyên nhân của TNGT là người đi bộ cũng chỉ chiếm 3% số vụ mỗi năm. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có nhiều vụ xử phạt liên quan đến người đi bộ. Có chăng chỉ là một số vụ xảy ra ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong chiến dịch lần này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: "Không dừng lại ở tuyên truyền mà sẽ có biện pháp xử phạt đối với những người đi bộ không đi đúng làn, phần đường quy định, cố tình vi phạm khi đã được nhắc nhở". Ông Hiệp lý giải thêm: "An toàn cho người đi bộ thể hiện một sự văn minh, thể hiện ý thức tham gia giao thông của người Việt Nam. Và để đảm bảo đi bộ an toàn thì hạ tầng phải an toàn, hành vi người đi bộ cũng phải an toàn. Đồng thời kêu gọi những người điều khiển phương tiện nhường đường cho người đi bộ. Toàn xã hội cần tập trung, góp sức xây dựng văn hóa giao thông để mọi người đều biết chia sẻ và có ý thức nhường nhịn nhau".
Cầu vượt dành cho người đi bộ trên phố Trần Duy Hưng. Ảnh: Quỳnh Anh |
"Hiện Hà Nội có hơn 20 cầu vượt cho người đi bộ, và tại các điểm sang đường đều có vạch kẻ cho người đi bộ. Còn TP. Hồ Chí Minh, một số tuyến phố ngoài cầu vượt nhẹ cho người đi bộ, còn có cơ sở hạ tầng cho người khuyết tật. Có vạch gồ để báo hiệu cho người khiếm thị biết làn đường đi của mình". Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia |