Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng vận tốc lưu thông tối đa: Nửa mừng, nửa lo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thông tư 91/2015/TT - BGTVT, từ 1/3, các phương tiện lưu thông trong khu vực đông dân cư, đường đô thị sẽ được tăng vận tốc tối đa thêm 10km/h.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh thuận lợi, phương án này cũng sẽ phát sinh những hệ quả khó lường.

Nâng cao năng lực thông hành

Thông tư 91/2015/TT - BGTVT cho phép ô tô tăng vận tốc thêm 10km/h tương ứng với 2 loại hình: Đường đôi có dải phân cách giữa, đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới tăng vận tốc tối đa lên 60km/h; Đường hai chiều không có dải phân cách giữa; đường một chiều có 1 làn xe cơ giới tăng mức tối đa lên 50km/h. Quy định này trước tiên nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận không nhỏ người điều khiển phương tiện cơ giới, đặc biệt là các lái xe ô tô. Lái xe Trần Tuấn Chỉnh (Thanh Oai) cho biết: “Nhiều khi qua khu vực đông dân cư nhưng đường thoáng, đẹp thì vẫn có thể đi với vận tốc 50 - 60km/h. Với quy định hiện hành nhiều khi gây khó cho lái xe”. Cũng theo lý giải của anh Tuấn Chỉnh, việc đi với vận tốc bao nhiêu trong từng hoàn cảnh cụ thể là quyết định của người cầm lái, mỗi tài xế cần có ý thức làm chủ tốc độ, tự bảo vệ mình.
Việc cho phép tăng vận tốc lưu thông tối đa tại khu vực đông dân cư đang gây nhiều băn khoăn. 	Ảnh: Công Hùng
Việc cho phép tăng vận tốc lưu thông tối đa tại khu vực đông dân cư đang gây nhiều băn khoăn. Ảnh: Công Hùng
Một số chuyên gia đường bộ cho rằng, với năng lực đáp ứng của hạ tầng hiện nay, nhiều tuyến đường QL, tỉnh lộ, đường nội đô đủ điều kiện cho phép xe cơ giới lưu thông với tốc độ cao hơn. Nguyên Trưởng phòng Vận tải - Sở GTVT Hà Tây (cũ) Đặng Chí Nga cho rằng: “Khi vận tốc nhanh hơn, rút ngắn thời gian thông hành tất nhiên sẽ thúc đẩy dòng phương tiện “chảy” nhanh hơn, góp phần giảm UTGT, đặc biệt là trên các tuyến QL, đường nối trung tâm với ngoại thành”. Không chỉ nâng cao năng lực thông hành chung của loại hình xe cơ giới, quy định mới cũng sẽ giúp hạn chế những vi phạm về tốc độ mà cánh lái xe gọi là “không đáng bắt lỗi” trên những cung đường lẽ ra có thể di chuyển nhanh hơn nhưng đang bị hạn chế tốc độ tối đa ở mức “quá cẩn thận”. Việc hạn chế vi phạm về tốc độ cũng sẽ kéo theo hiệu quả giảm hẳn tiêu cực, nhũng nhiễu trong lực lượng chức năng có thẩm quyền, đồng thời thúc đẩy đại bộ phận người điều khiển phương tiện có ý thức cẩn thận hơn khi tham gia giao thông.

Không phải nơi nào cũng phù hợp

Trả lời báo chí về tác dụng của quy định mới trong Thông tư 91, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nói: “Căn cứ vào tình hình giao thông thực tế, Bộ GTVT sửa đổi Thông tư, quy định lại vận tốc lưu thông cho phù hợp, nhằm mục tiêu giảm UTGT”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, biện pháp này chưa chắc đã góp phần tích cực giảm UTGT, thậm chí còn có thể phát sinh những hệ quả không mong muốn trên một số tuyến đường cụ thể. Ông Nga lấy ví dụ: “Tuyến QL21B là đường 2 chiều không có dải phân cách giữa, mặt đường khá hẹp, chỉ khoảng 12m, mật độ phương tiện có thể nói là dày đặc. Tăng vận tốc tối đa nhưng chưa chắc xe cơ giới đã chạy nổi mà thậm chí còn có thể gây tai nạn”.

TS Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành Giao thông đô thị Hà Nội chia sẻ: “Việc có giảm được UTGT hay không còn chưa thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, chưa cần nói đến đường trong trung tâm TP, ngay những tuyến đường nối như Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu… vốn là đường đôi có dải phân cách giữa nhưng để đáp ứng vận tốc 60km/h thì khẳng định là chưa đủ khả năng”. Đồng thời phân tích thêm: Đường như một con mương dẫn nước, thông suốt và đồng đều về kích thước thì nước mới thoát đều. Các tuyến đường kể trên có quá nhiều điểm giao cắt, chỗ phình ra, chỗ bóp vào, lượng phương tiện lại đông đúc, lưu thông với vận tốc 60km/h thì không xe nào chạy nổi. Giả sử người điều khiển phương tiện sơ ý hoặc cố tình chạy ẩu rất dễ gây tai nạn. Nhiều chuyên gia cùng chung mối băn khoăn khi nhìn vào sự thiếu đồng đều của hạ tầng giao thông Hà Nội hiện nay. Không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc của mạng lưới đường sá trên cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng những năm qua, nhưng nếu áp dụng quy định của Thông tư 91 một cách đại trà, thiếu sự điều chỉnh chi tiết đối với từng khu vực cụ thể rất có thể sẽ làm nảy sinh những hệ lụy không mong muốn.

Cần quy định chi tiết hơn

Theo giảng viên bộ môn Cầu đường bộ, Đại học GTVT - TS Đặng Minh Tân: “Quy định mới là tích cực, tuy nhiên vẫn cần chi tiết và sâu sát hơn nữa thực tế hiện trạng giao thông hiện nay”. Các tuyến đường QL của cả nước cũng như Hà Nội thiếu sự đồng đều về thông số kỹ thuật, nhất là khổ đường. Với những tuyến đường khổ lớn 20 - 30m hay hơn nữa, quy định này là phù hợp không cần bàn cãi, nhưng với những tuyến QL nhỏ, hay đường nối trung tâm với vùng ven, bề rộng còn xa mới đạt đến con số vài chục mét thì nên giữ mức vận tốc tối đa như cũ để hạn chế khả năng xảy ra TNGT. Khái niệm “khu đông dân cư, đường đô thị” cũng cần làm rõ hơn, phân biệt từng nhóm đường có yếu tố kỹ thuật riêng để đánh giá khả năng đáp ứng, năng lực thông hành và quan trọng nhất là khả năng xảy ra xung đột với các tuyến giao cắt. “Đường nối trung tâm, mật độ phương tiện lớn hơn, nhiều ngã ba, ngã tư hơn thì đương nhiên phải hạn chế tốc độ thấp hơn”.

Ông Hải lấy ví dụ như Hà Nội, sự khác biệt giữa đường nội thành và ngoại thành là một trời một vực cả về lưu lượng phương tiện lẫn mật độ giao cắt, do đó, 2 loại đường này cần các quy định linh hoạt riêng cho phù hợp....