Khắc phục kẽ hở pháp lý
Trong những năm vừa qua, với chính sách mở cửa thị trường, tạo điều kiện tối đa cho các DNphát triển, thị trường viễn thông di động đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện nay, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam đạt hơn 126 triệu và được đánh giá là một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông trên 100 dân cao trên thế giới. Tuy nhiên, hầu hết các thuê bao di động hiện nay là thuê bao di động trả trước (chiếm hơn 95%), và theo đánh giá của Bộ Công an thì hơn 75% số thuê bao di động trả trước có thông tin không chính xác.
Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, về cơ bản cho đến nay pháp luật hiện hành về viễn thông (Luật Viễn thông, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 174/2013/NĐ-CP, Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT về quản lý thuê bao trả trước) đã tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ về việc quản lý thông tin thuê bao di động trả trước nhưng kết quả triển khai chưa được như mong muốn, các mức xử phạt còn quá nhẹ so với doanh thu thu được từ các hành vi sai phạm dẫn tới tình trạng SIM thuê bao kích hoạt sẵn, thông tin thuê bao không đúng, SIM rác vẫn còn tồn tại phổ biến.
Trong bối cảnh yêu cầu có được cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao chính xác để phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế tin nhắn rác, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, Nghị định số 49/2017/NĐ-CP được ban hành với mục đích sửa đổi, bổ sung, thay đổi một số quy định về quản lý thuê bao di động nhằm khắc phục các kẽ hở pháp lý, tăng tính hiệu quả và khả thi trong công tác quản lý thông tin thuê bao.
Tăng trách nhiệm của nhà mạng
Theo nghị định mới này, việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do DN thiết lập hoặc điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các DN viễn thông khác thiết lập được DN viễn thông ký hợp đồng ủy quyền. Như vậy, sẽ không còn hình thức điểm giao dịch được DN viễn thông ủy quyền cho các hộ kinh doanh. Thêm vào đó nghị định này quy định SIM thuê bao di động chỉ được cung cấp tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.
Nghị định sẽ tập trung quản lý mạnh vào các nhà mạng với các quy định như nhà mạng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, kể cả các điểm ủy quyền. Như vậy, nếu có bất kỳ hành vi sai phạm nào trong việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước thì nhà mạng sẽ là đối tượng bị xử lý thay vì đổ trách nhiệm sang đại lý SIM thẻ như trước.
Nghị định 49 cũng quy định, sau 3 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, các điểm đăng ký thông tin thuê bao, đại lý phân phối SIM thuê bao nếu không được ủy quyền sẽ phải ngừng hoạt động liên quan tới đăng ký thông tin thuê bao, phân phối SIM thuê bao liên quan tới DN đó.
Vẫn theo nghị định mới này, trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, nhà mạng phải có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao trả trước (chưa tuân thủ theo đúng quy định) thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Nghị định này. Sau 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, nhà mạng sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ (theo các quy định tại Nghị định) của toàn bộ thông tin thuê bao di động được lưu giữ (bao gồm cả các thông tin thuê bao thực hiện giao kết hợp đồng trước ngày Nghị định có hiệu lực).
Phạt nặng nếu có sai phạm
Bà Lê Thị Ngọc Mơ cho biết, Nghị định mới sẽ có các mức xử phạt chi tiết cho từng hành vi vi phạm với từng chủ thể (DN viễn thông di động, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, chủ thuê bao), đặc biệt là hành vi cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân có thông tin thuê bao không đúng quy định.
Cụ thể sẽ phạt tiền đến 1 triệu đồng trên mỗi số thuê bao đối với nhà mạng trong trường hợp cung cấp dịch vụ cho chủ thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định. Ngoài phạt DN, còn có thể phạt người đại diện theo pháp luật của DN viễn thông đối với các sai phạm lớn (mức phạt lên tới 100 triệu đồng). Ngoài ra, Nghị định còn có các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả như buộc nhà mạng phải nộp lại tổng số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của SIM đối với các thuê bao được cung cấp dịch vụ vi phạm quy định.
Phạt tiền nhà mạng đến 30 triệu đồng với mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không tuân thủ đúng quy định khi thực hiện giao kết hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung. Phạt tiền đến 40 triệu đồng khi bán, lưu thông SIM thuê bao đã nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ và bán SIM thuê bao di động khi không được nhà mạng ký hợp đồng ủy quyền.
Nghị định này còn đưa ra mức phạt từ 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi cung cấp hoặc sử dụng ứng dụng CNTT để giả mạo thông tin, ảnh chụp giấy tờ cá nhân, tổ chức, ảnh chụp người đến giao kết hợp đồng để thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.