Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng xử phạt vi phạm luật giao thông: Lo ngại phát sinh tiêu cực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 1/8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sẽ chính thức có hiệu lực.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, đây là điều cần thiết nhằm đảm bảo trật tự ATGT. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm bất hợp lý của Nghị định này.

Loại bỏ ý nghĩa đèn vàng

Theo Nghị định 46, từ ngày 1/8, hành vi vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, với quy định mới này đã khiến người dân băn khoăn lo lắng. Vào ban đêm, hầu hết các nút giao thông tại Hà Nội chuyển sang trạng thái chờ, nghĩa là đèn xanh, đỏ không hoạt động, chỉ có đèn vàng nhấp nháy từ các hướng để báo cho người điều khiển phương tiện biết là đang đi vào nút. Vậy hành vi vượt đèn vàng ban đêm có bị xử lý hay không?
Cảnh sát giao thông Đội 3, Công an Hà Nội lập biên bản xử lý lái xe vi phạm trên đường Xã Đàn. Ảnh: Phạm Hùng
Cảnh sát giao thông Đội 3, Công an Hà Nội lập biên bản xử lý lái xe vi phạm trên đường Xã Đàn. Ảnh: Phạm Hùng
Anh Nguyễn Văn Vượng, quận Đống Đa cho rằng, hiện nay, hầu hết tại nút giao trong khu vực nội đô đã được trang bị hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhưng không phải nút nào cũng có đồng hồ đếm ngược và hoạt động tốt. Do đó, nếu áp dụng quy định xử phạt lỗi vượt đèn vàng như đèn đỏ sẽ làm gia tăng các vụ TNGT. “Nếu như trước đây, phương tiện lưu thông trong đô thị với tốc độ 40 - 50km/giờ đến các nút, khi thấy đèn xanh chuyển sang vàng người điều khiển phương tiện sẽ giảm tốc và khi đèn đỏ là dừng lại. Nhưng nay nếu quy định vượt đèn vàng là bị phạt vậy khi đang lưu thông với tốc độ 40 - 50km/giờ thấy đèn vàng là phải phanh dừng khẩn cấp ngay. Với tốc độ, khoảng cách như vậy, các phương tiện phía sau sẽ bị bất ngờ và nguy cơ xảy ra tai nạn liên hoàn là điều khó tránh khỏi” – anh Vượng cho biết.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Khoản 3, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; trong khi tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Nếu tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, hành vi vượt tín hiệu đèn vàng khi đang tiếp tục di chuyển khác về tính chất, mức độ đối với việc cố tình vượt đèn đỏ. Lý giải về việc này, luật sư Thơm cho rằng, tình trạng vượt đèn tín hiệu vàng có thể do vô ý. Ngược lại, hành vi vượt đèn đỏ hoàn toàn do lỗi cố ý. Đèn tín hiệu vàng thường xuất hiện nhanh chỉ ít giây nên khó xác định được thời điểm đã qua trước vạch dừng hay chưa. Do đó, việc quy định lỗi vi phạm vượt đèn vàng như đèn đỏ, vô hình chung là bỏ ý nghĩa của đèn tín hiệu vàng.

Xử lý “thỏa thuận ngầm” thế nào?
Để thay đổi ý thức của người dân, chỉ tăng mức phạt cao là chưa đủ. Cần kết hợp chấn chỉnh lực lượng CSGT thi hành nhiệm vụ, loại bỏ vấn nạn “xin, cho”.

Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thạch

Ông Hoàng Thế Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, mục đích của Nghị định 46 nhằm tăng sức răn đe để thay đổi hành vi của người điều khiển xe, đặc biệt với những vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT như bia rượu, tốc độ, tải trọng… Trao đổi với chúng tôi, nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo ATGT phụ thuộc nhiều yếu tố như; cơ sở hạ tầng giao thông, tổ chức và hướng dẫn của lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông... Tuy nhiên, hiện nay các lực lượng chức năng dường như chỉ quan tâm đến việc tăng chế tài xử phạt là chưa hợp lý, thậm chí làm phát sinh thêm tiêu cực. Cụ thể, một số ý kiến cho rằng, theo Nghị định 46, người điều khiển ô tô vi phạm tốc độ ngoài việc có thể bị phạt đến 8 triệu đồng sẽ bị tước giấy phép lái xe đến 5 tháng. Còn người điều khiển xe máy chạy vượt quá tốc độ trên 20km/giờ có thể bị phạt đến 4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 tháng… với mức phạt như vậy, tình trạng “thỏa thuận”, “cưa đôi” chắc chắn sẽ xảy ra. "Nếu có việc thỏa thuận ngầm theo hình thức “cưa đôi” giữa người vi phạm và lực lượng thực thi công vụ thì mức xử phạt vẫn đảm bảo cao đủ răn đe người tham gia giao thông" - ông Hoàng Thế Tùng lý giải.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch – Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT), ngoài vấn đề chấn chỉnh lề lối làm việc của lực lượng chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và bản thân người tham gia giao thông cũng cần chủ động nâng cao hiểu biết pháp luật, Luật Giao thông đường bộ và hiệu lệnh của CSGT. Bởi, nhận thức thay đổi hành vi, nhận thức đúng sẽ có hành vi đúng.