Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo bước chuyển mới trong thu hút FDI

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có nhiều biện pháp, giải pháp được TP Hà Nội triển khai nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cùng với những ưu đãi, nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống hạ tầng, giá thuê đất, nhà xưởng… cũng đã được các cơ quan quản lý từng bước tháo gỡ.

Tiếp tục ghi nhận những chuyển biến

Theo quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, Hà Nội có 33 khu công nghiệp (KCN) - chế xuất, khu công nghệ cao với tổng diện tích 8.000ha, trong đó có 8 KCN đã cơ bản lấp đầy và đi vào hoạt động, các khu còn lại đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Tại các KCN có nhiều dự án FDI của các tập đoàn Canon, Panasonic, Daewoo, Yamaha… đầu tư chiếm khoảng 10% số lượng và giá trị các KCN của cả nước, tạo ra gần 40% giá trị sản lượng công nghiệp, 45% kim ngạch xuất khẩu, 20% GDP của toàn TP.
Sản xuất khuôn đúc nhựa tại Công ty TNHH Toho Việt Nam, huyện Đông Anh, Hà Nội.           Ảnh: Quỳnh Anh
Sản xuất khuôn đúc nhựa tại Công ty TNHH Toho Việt Nam, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh
Phản ánh của nhiều DN FDI đang hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp như Công ty TNHH Tajima Steel Việt Nam, Công ty Panasonic Việt Nam, Công ty TNHH TOA Việt Nam… cho thấy, nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội đã được triển khai thực hiện khá bài bản, hệ thống hạ tầng từng bước được cải thiện, thủ tục hành chính đã có những thay đổi đáng kể trong việc đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho DN. Ông Trương Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Hà Nội cũng cho biết, bên cạnh những chuyển biến mạnh mẽ trên, thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cũng được TP quan tâm. Bên cạnh việc tổ chức các chương trình xúc tiến tại những thị trường trọng điểm, TP cũng đã xây dựng danh mục cụ thể những ngành, lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư, trong đó tập trung vào những ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn và công nghiệp hỗ trợ… Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc gia tăng số dự án cũng như giá trị nguồn vốn mà các DN FDI đăng ký trong thời gian qua.

Gỡ vướng về mặt bằng

Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để từng bước hoàn thiện môi trường đầu tư nhưng theo ghi nhận từ các DN FDI, một trong những vướng mắc làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội là giá thuê mặt bằng tại các KCN của TP còn cao. Với mức thuê trên dưới 100USD/m2 khiến không ít DN cân nhắc khi quyết định đầu tư vào Hà Nội. Bên cạnh đó, ông Tạ Quốc Hưng - Phó Trưởng phòng Đầu tư (Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội) cho biết, hiện có 60 DN FDI đăng ký thuê mới, 70 DN tiếp tục gia hạn thuê lại nhà xưởng với tổng số vốn là 187 triệu USD, trong đó chủ yếu là DN FDI Nhật Bản, Hàn Quốc… sản xuất các mặt hàng phụ trợ phục vụ linh kiện cho Samsung, Canon và các DN chế xuất xuất khẩu 100%. Nhiều DN mong muốn TP tiếp tục cải cách hành chính, giảm thời gian hoàn thiện hồ sơ tiếp cận nhà xưởng cũng như gỡ vướng về thuế, nhất là thủ tục hải quan nhập khẩu máy móc, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, hiện tại, chính sách về đất đai, tiền thuê đất cao, việc GPMB chậm cũng là vấn đề gây khó thu hút đầu tư…

Trước thực tế trên, để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển kinh tế, ngày 9/12/2014, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký ban hành công văn số 9623/UBND-CT về việc chấp thuận cho phép triển khai việc thành lập, mở rộng các cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Đồng thời, TP cũng đã kiến nghị Chính phủ những cơ chế, chính sách nhằm tạo mặt bằng giá thuê đất hợp lý, tạo sức cạnh tranh trong thu hút các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI vào các khu, cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn; tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ về vốn xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào, phát triển các KCN mới, khu công nghệ cao tạo mặt bằng để thu hút đầu tư.