Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo bước đột phá về quy mô và chất lượng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 29/11, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố và triển khai Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và Quy hoạch mạng lưới trường học Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đây là lần đầu tiên, Hà Nội có một quy hoạch giáo dục đào tạo hoàn chỉnh.
 
Chỉ còn 30 học sinh/lớp

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, từ 2 quy hoạch này, giáo dục (GD) Thủ đô sẽ có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng. Cụ thể, đối với GD mầm non, đến năm 2015, số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học đạt ít nhất 35%, trẻ mẫu giáo đạt 90%, trẻ 5 tuổi đạt 100%. Đến năm 2020, số trẻ nhà trẻ tăng lên 60%, trẻ mẫu giáo đạt 95%. 100% trường mầm non thực hiện chương trình đổi mới GD mầm non, 80% cơ sở mầm non ứng dụng tin học vào quản lý GD. Đến năm 2020, có 90% trẻ đạt chuẩn phát triển; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống còn 3%. Sẽ có 65 - 70% trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia, đến năm 2030 đạt 75 - 80%.

GD tiểu học đặt mục tiêu 100% trẻ đi học đúng độ tuổi, HS học 2 buổi/ngày đạt trên 90% vào năm 2015 và trên 95% vào năm 2020. Năm 2015, giáo dục THCS, có tỷ lệ thiếu niên đi học đúng độ tuổi đạt 100% và giữ vững trong các năm tiếp theo. Sẽ có trên 50% HS THCS học 2 buổi/ngày vào năm 2015 và trên 90% vào năm 2020.

Tạo bước đột phá về quy mô và chất lượng - Ảnh 1

Công bố và bàn giao quy hoạch giáo dục

Theo quy hoạch, đến năm 2020, GD tiểu học và THCS có sĩ số bình quân/lớp học giảm xuống còn 30 HS/lớp. Tương tự, đến năm 2015, cơ bản các trường tiểu học, THCS, THPT được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố hóa, hiện đại hóa, đồng thời xây dựng mô hình trường chất lượng cao.

GD THPT, đến năm 2015 huy động đạt 90% thanh thiếu niên đi học đúng độ tuổi, và trên 95% vào năm 2020. Sẽ có 50 - 55% trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015, 65 - 70% vào năm 2020 và 75 - 80% vào năm 2030. Sĩ số bình quân/lớp học giảm xuống còn 40 HS vào năm 2020. Đầu tư xây dựng mô hình trường THPT Thủ đô đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Ngành GD Thủ đô cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 thu hút 99,5% HS tốt nghiệp THCS chưa học THPT vào học chương trình GDTX, có 55% lao động đã qua đào tạo vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.

Cải tạo và xây mới 1.180 trường học

Quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có mục tiêu phát triển mạng lưới trường lớp đảm bảo cơ cấu theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Mạng lưới trường học đảm bảo khả năng phục vụ HS học 2 buổi/ngày. Bởi vậy, mỗi xã, phường thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS công lập.

Quy mô trường mầm non không quá 20 nhóm lớp/trường; 30 - 35 trẻ/nhóm lớp. Diện tích đất tối thiểu cho một HS khu vực nội thành là 8m2/HS, ngoại thành là 12m2/HS. Trường tiểu học có không quá 30 lớp, với diện tích đất tối thiểu cho 1 HS khu vực nội thành là 6m2, ngoại thành là 10m2. Trong khi đó, trường THCS và THPT có quy mô không quá 45 lớp/trường, diện tích đất tối thiểu khu vực nội thành là 6m2/HS, ngoại thành là 10m2/HS. Điều đáng nói, các trường khi xây mới sẽ thực hiện tiêu chuẩn xây dựng tối thiểu là 15m2/HS; sẽ bố trí quỹ đất để xây dựng ít nhất 1 trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, tự kỷ tại các quận, huyện.

Tính ra trong giai đoạn 2011 - 2030, TP cần cải tạo và xây mới gần 1.180 trường học. Trong số đó có 724 trường mầm non, 234 trường tiểu học, 108 trường THCS, 112 trường THPT.

Ưu tiên quỹ đất xây trường

7 nhóm giải pháp đã được đưa ra để thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục Thủ đô. Trong đó có việc xây dựng mạng lưới trường lớp hợp lý; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa…; đẩy mạnh ứng dụng CNTT; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về GD& ĐT; đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; tăng cường nguồn lực từ ngân sách cho GD&ĐT… Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, nhóm giải pháp xác định quỹ đất để xây dựng trường học có vai trò đặc biệt quan trọng, nên sẽ ưu tiên dành 5% quỹ đất phục vụ công cộng của các xã và tận dụng quỹ đất còn trống để xây trường học. Đối với từng dự án cải tạo cụ thể, sẽ mở rộng diện tích của các trường hiện có trong nội thành, nâng thêm tầng để bố trí HS học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao. Và cũng ưu tiên dành quỹ đất khi di chuyển các cơ quan, đơn vị ra khỏi nội đô; đất tại khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân để xây trường học.

Để giải pháp này khả thi, Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Văn Hải cho rằng, địa phương cần quản lý chặt các khu đất đã được quy hoạch. Đây là bài học thực tiễn trong nội đô vì từ năm 2003, TP phê duyệt quy hoạch mạng lưới giáo dục của Hà Nội, nhưng đến năm 2008, 2009, 2010 rất nhiều vị trí đất quy hoạch đã bị xây sang địa điểm khác hoặc không còn giữ nguyên hiện trạng. Sở GD&ĐT Hà Nội nên phối hợp với Sở Xây dựng, Sở QH - KT xây dựng các thiết kế mẫu xây dựng điển hình cho các cấp trường học cơ bản theo các mẫu trường chuẩn quốc gia. Mỗi địa phương sẽ trên cơ sở mẫu điển hình đó khai thác những đặc trưng riêng về địa bàn, địa hình, phong tục tập quán. Việc làm này vừa tiết kiệm kinh phí, giảm bớt thủ tục đầu tư và tạo điều kiện cho các quận, huyện trong quá trình triển khai thực hiện.