- CGH nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng được TP tập trung chỉ đạo. Hiện nay, phong trào CGH trong nông nghiệp Hà Nội đang diễn ra khá sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Trước năm 2013, tỷ lệ CGH trong khâu làm đất của TP đạt 69,2%, tỷ lệ cấy máy đạt 0,04%, gặt đập liên hợp 7,8%. Trong chăn nuôi, tỷ lệ CHG đều ở mức dưới 20% đối với cả bò, lợn và gia cầm. Tuy nhiên, trong 4 năm triển khai “Đề án phát triển CGH nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020”, kết quả đã có chuyển biến bước đầu. Cụ thể, đến nay, tỷ lệ CGH trong khâu làm đất đạt 95%, cấy máy đạt 2,55%, gặt đập liên hợp 7,8%... Việc áp dụng CGH đã làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 10 – 15%, đồng thời góp phần giải phóng sức lao động nông thôn.
Với vị thế là Thủ đô, theo ông, kết quả CGH nông nghiệp đạt được như trên liệu có quá khiêm tốn?
- Phải thừa nhận là mức độ CGH trong nông nghiệp của TP còn thấp so với cả nước và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Việc ứng dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp của TP còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ. Hơn nữa, CGH trong nông nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế, chủ yếu mới tập trung vào khâu làm đất, còn khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chưa được quan tâm đầu tư nên hiệu quả sản xuất thấp.
Ngoài chính sách của T.Ư, TP Hà Nội còn có chính sách đặc thù hỗ trợ đẩy mạnh CGH trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nông dân, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ còn khá nhiều bất cập. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 của UBND TP về một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012 – 2016, ngân sách TP sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng tối đa 3 năm để mua máy móc. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chính sách cũng còn những hạn chế nhất định. Trong 4 năm qua mới có 122 hộ được vay tiền ngân hàng mua 140 máy các loại với tổng số tiền hỗ trợ lãi suất là hơn 4 tỷ đồng. Có thể nói, chính sách khuyến khích CGH của TP đã có nhưng chưa phù hợp nên các hộ dân chưa mặn mà đầu tư máy móc, thiết bị CGH. Cụ thể, mức hỗ trợ trực tiếp còn thấp trong khi một số chi nhánh ngân hàng NN&PTNT chưa muốn cho các hộ nông dân vay vốn để mua máy móc. Chính vì vậy, nông dân thường khó tiếp cận được vốn vay.
Cũng cần phải nói thêm là sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quyết liệt, ỷ lại vào TP nên thiếu giải pháp mang tính đột phá để tạo chuyển biến rõ nét trong việc triển khai thực hiện chương trình CGH nông nghiệp.
Theo ông, để đẩy mạnh ứng dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP cần có giải pháp gì?
- CGH góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Chính vì vậy, để đẩy mạnh ứng dụng CGH vào sản xuất, trước hết cần sớm hình thành các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ dịch vụ CGH nông nghiệp để quản lý, sử dụng tốt máy móc, thiết bị. Đồng thời không ngừng đầu tư cho các cơ sở chế tạo, lắp đặt và cải tiến máy móc, thiết bị CGH nông nghiệp, đảm bảo tính đa năng, phù hợp với điều kiện sản xuất của Hà Nội.
Đặc biệt, về cơ chế chính sách, cần có sự điều chỉnh theo hướng ngân sách TP hỗ trợ 100% lãi suất mua máy, thiết bị CGH nông nghiệp nhưng chuyển thẳng số tiền hỗ trợ lãi suất cho ngân hàng nơi hộ dân vay mua máy. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội và Ngân hàng NN&PTNT các huyện, thị xã cần tạo cơ chế thông thoáng cho các hộ dân, chủ trang trại vay vốn đầu tư máy móc, thiết bị CGH nông nghiệp.
Xin cảm ơn ông!