Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo đà cho doanh nghiệp Thủ đô phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 4 năm thực hiện, Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người tiêu dùng (NTD), tạo đà cho doanh nghiệp (DN) Hà Nội phát triển, qua đó góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt

Tại buổi tọa đàm "Nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn TP Hà Nội" do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội vừa tổ chức mới đây, các đại biểu nhất trí cho rằng, sau 4 năm triển khai, CVĐ đã góp phần hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt. Nếu như trước đây, NTD hầu như không quan tâm đến hàng Việt thì đến nay, có tới 80% NTD tin tưởng và sử dụng hàng do các DN trong nước sản xuất. Trên địa bàn Hà Nội, đông đảo các tầng lớp nhân dân Hà Nội đã có ý thức sẵn sàng đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước và DN trong việc thực hiện CVĐ.

 
Chọn mua hàng tại Hội chợ hàng Việt 2013.	 Ảnh: Hoài Nam
Chọn mua hàng tại Hội chợ hàng Việt 2013. Ảnh: Hoài Nam
 
Đặc biệt, hiệu quả của CVĐ đã buộc các DN phải có ý thức hơn trong việc sản xuất các loại hàng hoá, dịch vụ đảm bảo chất lượng, đáp ứng thị hiếu của NTD, từ đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN mở rộng thị trường trên địa bàn Thủ đô... Đơn cử như Công ty Khóa Việt Tiệp, với mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa cùng chủng loại có giá rẻ của Trung Quốc, công ty đã đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao công nghệ. Nhờ chiến lược đầu tư này,  chất lượng sản phẩm của khóa Việt Tiệp ngày càng được cải thiện, mẫu mã đẹp hơn, giá thành giảm đáng kể... Vì vậy, sản phẩm khóa Việt Tiệp đã được người tiêu dùng Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung tin dùng. Bên cạnh đó, nhằm khắc phục tình trạng nông thôn là địa bàn của hàng Trung Quốc giá rẻ, việc các DN tổ chức hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, bán cho công nhân tại các KCN là một hướng đi sáng tạo. Và hình ảnh người dân nông thôn, công nhân các KCN xếp hàng dài để chờ mua hàng Việt trong các hội chợ cho thấy CVĐ đã thúc đẩy được mối quan hệ "đôi bên cùng có lợi" giữa DN - NTD. Không trực tiếp sản xuất nhưng các siêu thị cũng đã góp phần quảng bá hàng Việt bằng cách ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nội địa. Tỷ trọng hàng Việt chiếm đến 95% trong các siêu thị cho thấy, hệ thống bán lẻ đã trở thành kênh phân phối hữu hiệu, tạo thói quen cho NTD sử dụng hàng Việt.

 Xây dựng cơ chế hỗ trợ

Dù đã có những tín hiệu đáng mừng nhưng trên thực tế, các DN Việt vẫn chưa khắc phục được điểm yếu cố hữu là không chuyên nghiệp trong việc tìm hiểu thị hiếu, thói quen của NTD; hệ thống phân phối bán lẻ còn mỏng, thiếu chuyên nghiệp. Việc ưu tiên dùng hàng Việt mới chỉ thực hiện với các hàng hoá tiêu dùng, còn những hàng hoá có giá trị lớn như máy móc, thiết bị, vật tư chưa được chú trọng…Theo các đại biểu, để khắc phục những bất cập trên, các DN cần chú trọng cải tiến hệ thống quản lý, đổi mới kỹ thuật, công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã không thua kém hàng ngoại nhập, mức giá hợp lý. Ngoài ra, nhằm ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các DN cần xây dựng, xác lập quyền thương hiệu cho sản phẩm nội.

Nhằm hỗ trợ DN, UBND TP Hà Nội đã đề ra một số giải pháp như giúp DN lựa chọn công nghệ để đổi mới dây chuyền sản xuất; tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu của NTD, hỗ trợ một phần kinh phí khi DN đưa hàng về nông thôn, xúc tiến thương mại nội địa. Để CVĐ đi vào chiều sâu, Ban Chỉ đạo của TP Hà Nội đã đưa ra một đề xuất thiết thực là các cơ quan, DN sử dụng vốn ngân sách nên ưu tiên mua sắm hàng nội địa; sử dụng nguyên, nhiên vật liệu trong nước. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bản thân DN cần chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo đảm chất lượng hàng hóa, từ đó xây dựng niềm tin và tự hào đối với hàng Việt Nam.