Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận mặt bằng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, TP hiện có 418 chợ dân sinh, 135 siêu thị, 24 trung tâm thương mại (TTTM). Tuy nhiên, tại các huyện ngoại thành do nhu cầu mua sắm của người dân chưa cao nên hầu hết các DN đều "ngại" xây dựng hệ thống siêu thị bán lẻ hiện đại.

Nên tạo điều kiện cho DN tiếp cận mặt bằng xây dựng trong quá trình phát triển hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội. Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo khoa học "Phát triển hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội trong điều kiện hội nhập quốc tế và chuẩn bị hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN" do UBND TP Hà Nội tổ chức (ngày 19/8). Theo bà Nguyễn Thị Vịnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Hiện loại hình TTTM trên địa bàn chủ yếu mang dáng dấp địa phương, điều đó dẫn tới các TTTM hiện có chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển Hà Nội thành TTTM quốc tế và của cả nước.
 
Người tiêu dùng mua hàng tại Siêu thị Hapro Đông Anh. 	Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng tại Siêu thị Hapro Đông Anh. Ảnh: Hoài Nam
Thực tế cho thấy, trong quá trình các DN triển khai hệ thống bán lẻ cũng gặp khó khăn do quỹ đất dành cho thương mại không nhiều, nhất là khu vực các quận cũng như tại trung tâm các huyện. Đó là chưa kể đến thực trạng chính quyền một số địa phương có tâm lý "sính ngoại" trong việc phê duyệt địa điểm mở rộng TTTM giữa DN trong nước với DN nước ngoài.  

Nhằm hỗ trợ DN trong việc mở rộng hệ thống bán lẻ, hầu hết các DN đều có chung kiến nghị, UBND TP Hà Nội nên tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong nước tiếp cận các mặt bằng kinh doanh thông qua nhiều hình thức như thuê, mượn, trả dần tiền thuê… Ngoài ra, UBND TP nên đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình cấp giấy phép hoạt động, có các chính sách ưu đãi về thuế và xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường kinh doanh lành mạnh…  Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nêu ý kiến, các DN bán lẻ nên kinh doanh siêu thị theo chuỗi liên kết, trong đó cũng cần tính tới phương thức nhượng quyền kinh doanh để tăng cường năng lực cạnh tranh. Sở Công Thương đẩy mạnh việc nâng cấp, mở rộng mạng lưới chợ truyền thống, khuyến khích thương nhân lập các liên minh mua bán hàng hóa. Nhằm hỗ trợ DN phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, thời gian tới, UBND TP tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời UBND TP sẽ cùng các sở, ngành hỗ trợ DN phát triển công nghiệp phụ trợ và sản xuất nội địa nhằm bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa; Tìm những phân khúc thị trường trong chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế, từ đó tạo ra sự khác biệt và nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ…

 
Ngày 19/8, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt nam phối hợp với Công ty CP Đồng Xuân tổ chức hội nghị "Đối thoại giữa các DN sản xuất hàng Việt với thương nhân chợ Đồng Xuân". Tại hội nghị, 150 hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân có chung ý kiến: DN Việt chưa nắm bắt trúng tâm lý người tiêu dùng và tình hình kinh doanh thực tế cũng như chiến lược hợp tác kinh doanh dài hạn với các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân.