Tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền giám sát

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải quyết hiệu quả kiến nghị của cử tri, đó là một trong những vấn đề được đặt ra tại cuộc triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của Ban Dân nguyện (UBTV Quốc hội), ngày 8/1.

Tổng hợp sơ bộ kiến nghị cử tri từ các cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XII cho thấy, cử tri đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức bộ máy, công tác cán bộ. Theo lãnh đạo Ban Dân nguyện, cử tri đánh giá cao và đồng tình về chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Đảng và Nhà nước. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt việc tinh giản biên chế đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, cải cách tiền lương, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức; xem xét sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã có địa bàn, quy mô dân số chưa đủ chuẩn về điều kiện kinh tế, văn hóa.
Qua tổng hợp của Ban Dân nguyện, cử tri kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát, để đảm bảo chủ trương, chính sách được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đặc biệt, xem xét xây dựng cơ chế cho người dân được phép đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và mức độ hài lòng đối với cán bộ công chức trong thi hành công vụ. Từ đó, góp phần nâng cao tính minh bạch trong việc đánh giá cán bộ, công chức và trong công tác cải cách hành chính.

Về đấu tranh phòng chống tham nhũng, cử tri đồng tình và đánh giá cao việc Quốc hội xem xét thận trọng, khách quan khi cho ý kiến đối với Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đồng thời đánh giá công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có chuyển biến, hiệu quả tích cực, nhiều vụ tham nhũng lớn được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước. Tuy nhiên, cử tri nhận thấy trong một số trường hợp, việc công khai các kết luận thanh tra còn chưa kịp thời gây dư luận không tốt, kiến nghị quan tâm hơn nữa tới việc công khai các kết luận thanh tra, kiểm toán để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền giám sát; Có cơ chế hiệu quả để cán bộ, công chức phải thực hiện nghĩa vụ kê khai đầy đủ, niêm yết công khai bản kê khai tài sản để người dân giám sát; Có biện pháp thu hồi hiệu quả tài sản Nhà nước bị thất thoát.

Nhìn nhận các báo cáo giám sát của Ban Dân nguyện trong thời gian qua đã không còn chung chung, chỉ rõ những địa chỉ vi phạm, giải quyết nhiều vấn đề cử tri nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị, Ban Dân nguyện cần quan tâm hơn đến hậu giám sát và xử lý đơn trùng. Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Nguyễn Mai Bộ cũng cho rằng: Khi đi giải quyết kiến nghị của cử tri cần tăng cường xuống thực tế. Nếu làm được như thế sẽ giải quyết được rất nhiều việc, cũng như quan tâm đến hậu giám sát nhằm tạo hiệu quả, công bằng mà cử tri rất mong chờ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, cần tăng cường hợp tác để nâng cao công tác tiếp dân và tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng công tác này, đồng thời tích cực xử lý đơn thư để đảm bảo không để tồn đọng. Có rất nhiều vấn đề giám sát nhưng phải chọn cốt lõi nhất, nóng nhất, cần thiết nhất, đặc biệt là quan tâm đến công tác hậu giám sát.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần