Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trong diện di dời

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến cuối năm 2017, Đề án giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long...

Kinhtedothi - Dự kiến cuối năm 2017, Đề án giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên) hoàn thành giai đoạn 1, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ di dời hơn 1.500 hộ dân phố cổ Hà Nội và tạo mọi điều kiện cho những hộ dân này tìm kiếm việc làm sau khi di dời - đó là khẳng định của ông Dương Đức Tuấn - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm tại buổi họp về dự án này, ngày 16/1.

Xây dựng khu đô thị hiện đại

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, việc giãn dân phố cổ Hà Nội nhằm giảm mật độ dân cư khu vực từ 823 người/ha hiện nay xuống 500 người/ha vào năm 2020, đồng thời góp phần cải thiện môi trường đô thị, bảo tồn, tôn tạo các di tích, công trình kiến trúc tại khu phố cổ. 
Đối với các hộ dân diện tích đang ở rất nhỏ, không đủ tiền mua căn hộ tái định cư sẽ được ở căn hộ tái định cư diện tích dưới 30m2 và không phải trả tiền. Nhưng nếu có nhu cầu ở căn hộ trên 30m2 sẽ áp dụng chính sách trả chậm, hoặc có quyền được thuê mua căn hộ.

Dự kiến, Đề án giãn dân phố cổ được thực hiện thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, thực hiện dự án khu giãn dân Việt Hưng (quận Long Biên) diện tích 11,12ha, qua đó di dời 1.530 hộ dân. Trong đó có khoảng 533 hộ đang sống trong khu vực di tích, công sở, trường học, 1.000 hộ sống trong nhà ở có giá trị cần bảo tồn, nhà xuống cấp nguy hiểm, nhà đông hộ và các hộ tự nguyện di dời.

Về dự án nhà ở tại Khu đô thị Việt Hưng, bà Lê Quỳnh Anh  - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ cho biết: Khu nhà ở giãn dân phố cổ gồm 17 tòa nhà chung cư 9 - 15 tầng, 1 nhà trẻ 3 tầng, tuyến phố thương mại, dịch vụ và không gian sinh hoạt công cộng… Tổng nguồn vốn đầu tư đề án khoảng 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, UBND TP Hà Nội đã có quyết định, trong đó yêu cầu DN được chỉ định thực hiện dự án phải có năng lực tài chính, có chuyên môn để thực hiện. Đồng thời, DN sẽ được hưởng một số quyền lợi trong việc vay vốn ngân hàng, ứng vốn trước để thi công dự án, sau khi hoàn thành sẽ bán nhà cho người dân khu phố cổ để thu hồi vốn. Dự kiến trong quý III/2015 sẽ thi công và đến quý IV/2017 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án. UBND quận Hoàn kiếm đang đề nghị UBND TP Hà Nội bố trí quỹ đất khoảng 30ha để di dời 5.020 hộ dân còn lại, dự kiến việc thực hiện Đề án giãn dân kết thúc vào năm 2020.

Ông Dương Đức Tuấn khẳng định, việc thiết kế, quy hoạch cho dự án nhà ở giãn dân đã được tính toán rất kỹ, tham khảo các chuyên gia quy hoạch hoạch xây dựng của TP Toulouse (Pháp) để xây dựng nên khu nhà đầy đủ các tiện ích, thân thiện môi trường.

Tăng cường hỗ trợ người dân

Quá trình điều tra xã hội học về phản ứng của người dân phố cổ thuộc diện phải di dời cho thấy, đa phần họ lo lắng đến công ăn việc làm sau khi di chuyển. Vậy, UBND quận Hoàn Kiếm có chính sách hỗ trợ hay không?

 
Phối cảnh công trình giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng.
Phối cảnh công trình giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Tuấn Long - Phó ban Quản lý các dự án khu phố cổ quận Hoàn Kiếm cho biết: Khu giãn dân được thiết kế với không gian tầng 1 dành cho người dân lập ki ốt kinh doanh sinh sống. Các vị trí này sẽ được nghiên cứu triển khai thành các khu vực kinh doanh theo chuyên đề, từ đó cải thiện nhu cầu sinh hoạt của người dân…

Trước ý kiến của người dân về quyền lợi mà họ được hưởng khi di dời, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng cho biết: Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, giá bán căn hộ được xác định bao gồm giá thành xây dựng nhưng không được vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt, lợi nhuận định mức 10% so với chi phí đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, 4 nhóm đối tượng trong diện di dời kể trên sẽ được hưởng chính sách GPMB mà Nhà nước đang thực hiện với mức giá cao nhất 162 triệu đồng/m2, đồng thời được hưởng chính sách tái định cư tại nơi ở mới.

Đối với các hộ dân tự nguyện muốn mua nơi khác ngoài số tiền đền bù theo khung giá đất của TP còn được hỗ trợ 100 triệu đồng. Tuy nhiên, UBND quận cũng yêu cầu sau khi nhận nhà tái định cư mặc dù người dân có quyền bán, nhưng không được quay trở lại nơi ở cũ trong phố cổ.

Mặc dù UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân phố cổ nằm trong diện di dời, nhưng hiện nay, một bộ phận người dân đang sinh sống bằng "kinh tế vỉa hè" chưa đồng ý việc di dời. Điều đó cho thấy, bên cạnh việc tiếp tục vận động tuyên truyền, UBND quận Hoàn Kiếm nên quan tâm đến việc bố trí kinh doanh, qua đó giải quyết tạo việc làm cho họ.