Tạo dựng Quốc gia khởi nghiệp

Thế Dương thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể nói chưa bao giờ sự quyết tâm, tinh thần đồng hành với cộng đồng DN của Chính phủ lại thể hiện rõ nét như hiện nay. Cộng đồng DN đang cảm nhận rất rõ sự quyết tâm của Chính phủ trong việc gỡ bỏ các rào cản, giải phóng sức sản xuất, đồng hành cùng DN

“Trong bối cảnh những lợi thế so sánh truyền thống đang mai một dần, dư địa để phát triển không còn nhiều, đã đến lúc phải tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, dựa trên đổi mới sáng tạo, nền tảng tri thức và công nghệ, trong đó khu vực DN là yếu tố then chốt…”, đó là những trao đổi của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng với báo Kinh tế & Đô thị về những nỗ lực tạo dựng quốc gia khởi nghiệp.

  Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng 
Bộ trưởng có cảm nhận gì về những phát ngôn và hành động của lãnh đạo Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt là những chính sách đồng hành với DN?

- Thực hiện những cam kết với cộng đồng DN, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Chính phủ cũng thiết lập cổng thông tin điện tử riêng để trực tiếp tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN. Lãnh đạo nhiều địa phương đã tổ chức đối thoại, cam kết cải cách hành chính, thành lập bộ phận một cửa hỗ trợ DN trên địa bàn. Tôi cho rằng cộng đồng DN đang cảm nhận rất rõ sự quyết tâm của Chính phủ trong việc gỡ bỏ các rào cản, giải phóng sức sản xuất, đồng hành cùng DN.

Với tư cách người đứng đầu một ngành có vai trò quan trọng trong việc tham mưu các chính sách phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng đánh giá môi trường khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay thế nào, có lợi thế gì, thiếu gì và cần gì?

- Môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam còn khá mới mẻ, nhưng được nhiều chuyên gia đánh giá rất có tiềm năng. Với lợi thế là một nước đi sau, Việt Nam có cơ hội đón đầu các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới để tăng năng suất, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Quá trình hội nhập sâu rộng cho phép chúng ta tận dụng cơ hội lớn trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư và tiếp cận thị trường nước ngoài. Chúng ta cũng có lợi thế về con người, đặc biệt là các bạn trẻ năng động, sáng tạo và đam mê khởi nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng đang từng bước được hoàn thiện, trong đó hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam được đánh giá khá cao. Các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm và hiện diện ở Việt Nam ngày một nhiều.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một số hạn chế. Các DN của Việt Nam có tinh thần kinh doanh nhưng còn hạn chế về năng lực kinh doanh, hội nhập và tầm nhìn dài hạn, bền vững. Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu các hoạt động, chương trình và đội ngũ tư vấn, cố vấn hỗ trợ khởi nghiệp có kinh nghiệm để giúp các bạn khởi nghiệp xác định sản phẩm và thị trường, tồn tại và phát triển bền vững. Chúng ta cũng cần lấp khoảng trống để khuyến khích thu hút các dòng vốn cho khởi nghiệp.

Chương trình hành động của Bộ KH&ĐT triển khai Nghị quyết 35/NQ - CP của Chính phủ đã chỉ rõ tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ DN, DN đổi mới sáng tạo. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện nội dung này như thế nào?

- Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai một số hoạt động như: Hoàn thiện Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 báo cáo Chính phủ trình Quốc hội Kỳ họp thứ 2 vừa qua.

Bộ cũng đã tích cực thực hiện vai trò đầu mối, phối hợp với Cổng thông tin điện tử của Văn phòng Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành trả lời, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của DN; theo dõi, đốc thúc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết 35. Rà soát, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm minh bạch hóa, tạo điều kiện cho DN dễ tuân thủ và thực hiện; phối hợp với Bộ Tư pháp sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự nhằm đảm bảo chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, tạo điều kiện cho DN yên tâm đầu tư kinh doanh theo tinh thần của Nghị quyết. Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất các nội dung nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hiện đã được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận…

Hiện nay có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài muốn vào Việt Nam, tuy nhiên cơ chế ràng buộc về quản lý, pháp lý của chúng ta vẫn chưa được hoàn thiện dẫn đến hiệu quả chưa như mong đợi. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

- Có một số nguyên nhân khiến hoạt động đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp tại Việt Nam chưa thực sự sôi động đó là, thị trường Việt Nam chưa đủ minh bạch, các nhà đầu tư chưa thấy được sự an toàn và cơ hội bền vững trong đầu tư khởi nghiệp. Ngoài ra, chất lượng của DN khởi nghiệp chưa tốt, văn hóa chấp nhận thất bại, rủi ro trong kinh doanh của các DN khởi nghiệp chưa cao. Việc các chính sách liên tục thay đổi cũng tạo ra nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Nhằm khắc phục thực trạng trên, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu và đề xuất các chính sách trong Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trình Quốc hội thảo luận trong kỳ họp vừa qua, hy vọng các chính sách này góp phần tạo điều thuận lợi để thu hút nhiều hơn các quỹ mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần vào Việt Nam đầu tư cho khởi nghiệp.

Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Hà Nội trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh thời gian qua cũng như kỳ vọng về xây dựng Hà Nội trở thành một trung tâm khởi nghiệp của cả nước?

- Kể từ khi ban hành Luật Đầu tư và Luật DN năm 2005, Hà Nội cùng với TP Hồ Chí Minh luôn là 2 TP dẫn đầu cả nước về số lượng DN thành lập mới. Năm 2016, tổng số DN của 2 TP chiếm trên 48% số DN cả nước. Năm 2016 cũng là năm chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về DN khởi nghiệp và thu hút đầu tư của Thủ đô Hà Nội với gần 23.000 DN thành lập mới, thu hút vốn đầu tư xã hội đạt trên 423.000 tỷ đồng, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Hà Nội cao nhất trong 6 năm qua.

Kết quả này ghi nhận niềm tin của cộng đồng DN, nhà đầu tư với môi trường kinh doanh của Hà Nội, đồng thời cũng là tín hiệu lạc quan đối với tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Hà Nội cũng là 1 trong 2 TP đi đầu cả nước về hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, hệ thống các trường đại học hàng đầu với khối lượng sinh viên lớn tốt nghiệp hàng năm… đây sẽ là các cơ hội rất lớn để phát triển trở thành trung tâm khởi nghiệp hàng đầu của cả nước. Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để triển khai các chương trình hành động nhằm tạo động lực tốt nhất cho DN Thủ đô phát triển.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Khóa XIV; Hướng dẫn, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư phát triển đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí; Rà soát, hoàn thiện báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư... Những nỗ lực này đang góp phần minh bạch hóa môi trường kinh doanh, điều tiết hiệu quả hơn các nguồn lực để hỗ trợ các DN phát triển.