Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô: Cú hích phát triển bất động sản xanh, thân thiện môi trường

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (23/12), hội thảo khoa học cấp Thành phố “Phát triển thị trường Bất động sản -Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội” do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức, theo kế hoạch 155/KH – UBND ngày 30/6/2017 của UBND TP Hà Nội, chính là đáp ứng yêu cầu đó.

Ngoài các vấn đề xoay quanh đến quy hoạch, xây dựng, chất lượng dự án, việc phát triển bất động sản (BĐS) xanh, thân thiện môi trường cũng là điểm nhấn của hội thảo.
Cùng với tốc độ đô thị hóa, sự phát triển sôi động của thị trường Bất động sản (BĐS), quan niệm về không gian sống của chủ đầu tư đến nhu cầu sở hữu của phần lớn khách hàng hiện nay đã có nhiều thay đổi. Do đó, việc đi tìm lời giải để tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội là yêu cầu bức thiết, đáp ứng nhu cầu thiết thực cuộc sống hiện đại.

Đảm bảo không gian sống

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức – đại diện Ban tổ chức cho biết, Hội thảo nhằm giúp nhận diện những xu hướng, cơ hội và thách thức trong việc phát triển thị trường BĐS đảm bảo yêu cầu về không gian sống hiện đại, văn minh cho người dân trên địa bàn Hà Nội, từ đó xác định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS và cơ chế, chính sách phát triển thị trường BĐS lành mạnh, bền vững.

Hội thảo không chỉ có sự tham gia tham luận của lãnh đạo các sở, ngành, các giảng viên đại học các trường đại học, Viện nghiên cứu, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp mà còn có nhiều chuyên gia BĐS, Quy hoạch – Xây dựng hàng đầu, như: Ông Nguyễn Trần Nam (Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam); TS.KTS.Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam); GS.TSKH.Đặng Hùng Võ (Đại học Quốc gia Hà Nội); ông Nguyễn Mạnh Hà (Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam);... Theo đó, Hội thảo đi sâu vào 3 vấn đề chính: Thực trạng và dự báo thị trường BĐS Hà Nội; Vai trò của Nhà nước trong quản lý và hỗ trợ đối với doanh nghiệp đầu tư, phát triển thị trường BĐS Hà Nội; Những kiến nghị và giải pháp về phía Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng trong việc phát triển thị trường BĐS, tạo lập không gian sống văn minh trên địa bàn Thủ đô.
 Không gian xanh tại Khu đô thị Vinhomes Riverside Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng 
Thực tế cho thấy, thị trường BĐS Hà Nội mặc dù phát triển rõ nét chỉ trong khoảng 15 năm gần đây, nhưng đã có bước phát triển quan trọng. Nhiều dự án phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành, làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP; từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường; chất lượng ở một số dự án còn chưa thực sự đảm bảo, mật độ xây dựng còn cao, không gian sống chưa phù hợp với sự phát triển bền vững của Thành phố.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, phát triển thị trường BĐS – tạo lập không gian sống văn minh, thực chất là góp phần phát triển các hoạt động kinh tế theo chiều sâu. Không gian sống văn minh góp phần phát triển hoạt động du lịch, các ngành công nghệ, trình độ cao và thu hút lao động có chất lượng cao đến sống và làm việc. Không gian sống văn minh cũng yêu cầu sự phát triển vượt trội về kết cấu hạ tầng và công trình tiện ích, công cộng. Đây chính là cơ hội, là cú hích để phát triển BĐS xanh, thân thiện với môi trường.

Phát triển bất động sản xanh

Một nghiên cứu được đăng tải trên Movainternational cho thấy, 35% người tiêu dùng tại các nước phát triển sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là nhà ở. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên qua các năm. Thực tế cũng cho thấy, mối quan tâm dành cho sức khỏe đang được nhiều người Việt ưu tiên hơn. Bằng chứng là những năm gần đây, “dự án xanh” với những tên gọi khác nhau như Eco, Green, Park, Lake View,… đang trở thành xu hướng thiết kế mới của các dự án, bởi những giá trị mà nó đem lại: Không gian sống tự nhiên, trong lành, tiết kiệm tối đa nguồn năng lượng, tạo ra môi trường phát triển bền vững cho khu vực, cộng đồng dân cư.

Tại Hà Nội, không ít doanh nghiệp đã và đang thực sự chú trọng đến những dự án xanh, thân thiện môi trường, trong đó không thể không kể đến dự án: Vinhomes Riverside, Gamuda, Khu đô thị Đặng Xá, EcoLife Capitol,… Theo giới chuyên gia, dự án BĐS xanh thực sự không chỉ bao gồm một không gian xanh, được trồng nhiều cây xanh, được sơn một màu sơn mát mắt… mà từ quy trình thiết kế, xây dựng, vận hành tòa nhà đều bảo đảm hạn chế và ngăn chặn các tác hại đến môi trường tự nhiên, hướng đến việc cải thiện hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả thoát nước, giảm lượng khí thải CO2.

Thế nhưng thực tế, nhiều người chưa thực sự hiểu đúng và hiểu đủ về lợi ích của dự án xanh. Ngoài các lợi ích kinh tế trực tiếp, cân đong đo đếm được như việc dự án xanh có thể giảm chi phí vận hành công trình trong suốt vòng đời 50 - 70 năm, còn nhiều lợi ích khó đong đếm được như chi phí lao động. Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường (Bộ Xây dựng) đánh giá: Ý tưởng của chủ đầu tư là rất quan trọng, người dân sẽ không mua căn hộ chỏng chơ. Khi thị trường đang thiếu cung thì bán dễ, "chưa xanh" đã có người mua nhưng thừa cung thì khách hàng có nhiều lựa chọn. Song, dự án – công trình đã được trao chứng nhận công trình xanh rồi thì việc quản lý vận hành cũng phải xanh, phải theo dõi cả vòng đời công trình chứ không phải chứng nhận xong là xong. Tuy nhiên ông Thịnh cũng thừa nhận, tại Việt Nam còn có những rào cản như mức độ quan tâm, kiểm soát việc tuân thủ các nội dung, quy chuẩn ở một số cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, hay nguồn lực tài chính, ngân sách đầu tư cho tiết kiệm năng lượng còn hạn chế. Ngoài ra, năng lực chuyên môn của đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật chưa cao. Việc phát triển còn mang tính chất tự nguyện, dựa trên chủ đầu tư.

Hiện vẫn chưa có cơ chế để khuyến khích hoặc bắt buộc chứng nhận năng lượng, chứng nhận dự án xanh đối với các công trình xây dựng. Vì thế, dự án BĐS xanh vẫn chưa thực sự phát triển bền vững, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển thị trường BĐS - tạo lập không gian sống văn minh cho người dân Thủ đô, trước tiên rất cần đẩy mạnh phát triển dự án xanh, công trình xanh.