Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở Tây Bắc châu Phi, đất nước Maroc trở thành “điểm trung chuyển” của châu Âu, châu Phi và các nước khối Ả rập. Chính vì vậy, Maroc là thị trường đầy tiềm năng với các DN Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng hóa.

Trong khuôn khổ Diễn đàn DN Việt Nam – Maroc do Bộ Công Thương vừa tổ chức, ông Mohamed Abbou - Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đầu tư và Kinh tế kỹ thuật số đặc trách Ngoại thương Maroc cho biết: Maroc luôn coi trọng hợp tác kinh tế với các nước đang phát triển. Theo đánh giá của Chính phủ Maroc, nhờ những nỗ lực cải cách, Việt Nam hiện là nền kinh tế hấp dẫn nhất châu Á.

Thực tế hoạt động khai thác thị trường châu Phi nói chung và Maroc nói riêng của các DN Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Maroc đã có những bước phát triển. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Maroc đạt 147,63 triệu USD, tăng 45% so với năm 2013. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Maroc vào Việt Nam còn ở mức thấp, chỉ đạt 8,7 triệu USD năm 2014. “Tiềm năng trao đổi thương mại giữa hai nước còn rất lớn, nhất là các mặt hàng thị trường Maroc có nhu cầu cao như lương thực, nông thủy sản, dược phẩm..." - ông Mohamed Abbou nhấn mạnh.

Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương): Maroc có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm bình dân, chất lượng tốt, giá cả không cao. Một số mặt hàng của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, sắt thép các loại, cao su, giấy và sản phẩm giấy… đã tạo được chỗ đứng vững chắc tại thị trường này.

Mặc dù có sự tăng trưởng tích cực song những kết quả nói trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của hai nước. Để có thể tăng cường hoạt động xuất khẩu vào thị trường Maroc nói riêng và châu Phi nói chung đòi hỏi sự hỗ trợ từ phía các nhà quản lý hai nước. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, hiện, Hapro đang xúc tiến mở rộng thị trường sang châu Phi như Angola, Maroc… nhưng đây là thị trường xa xôi nên phải đầu tư nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, Hapro kiến nghị Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ và ưu đãi dành cho các DN tiên phong mở rộng thị trường.